TCCT Bằng những nỗ lực đổi mới công nghệ sản xuất, năm 2020, VITRICHEM đã tiết kiệm được gần 39% năng lượng so với năm 2019, là doanh nghiệp đạt giải nhất Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021".
Với bề dầy hơn 60 năm sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Hóa chất cơ bản, đặc biệt là từ khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình cổ phần hoá, Công ty CP Hóa chất Việt Trì (VITRICHEM) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược, trong đó nổi bật là việc huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện một cách rõ rệt điều kiện làm việc và môi trường trong toàn Công ty.
Ở Công ty CP Hóa chất Việt Trì, từ công nhân đến cán bộ quản lý đều được khuyến khích tham gia các hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Hàng năm, Công ty có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật lớn được xét duyệt và áp dụng, mang lại lợi ích kinh tế, giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng
Quyết liệt đổi mới công nghệ
Công nghệ cốt lõi để sản xuất xút là điện phân nước muối bằng công nghệ hiện đại. Các dây chuyền điện phân xút – clo của Công ty đang áp dụng công nghệ điện phân Membrane màng trao đổi ion. Đây là công nghệ hiện đại nhất hiện nay để sản xuất xút, với các sản phẩm đầu ra là xút lỏng, khí hydro, khí clo và các sản phẩm đồng hành là clo hóa lỏng, acid clohydric, nước javen và bột keo tụ chất lượng cao PAC phục vụ toàn bộ nền công nghiệp hóa chất Việt Nam.
Trước đó, từ năm 2014 đến 2016, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất xút công suất 20.000 tấn/năm, nâng công suất sản xuất xút toàn Công ty lên 40.000 tấn/năm. Sau đầu tư dây chuyền sản xuất xút – clo với công nghệ hiện đại tiên tiến nhất, năm 2016 dự án hoàn thành giai đoạn 2 đưa Công ty CP Hóa chất Việt Trì là doanh nghiệp dẫn đầu về sản xuất và cung cấp hóa chất (xút - clo) tại miền Bắc.
Tính đến đầu năm 2017, Công ty có hai công nghệ chủ yếu để sản xuất xút là công nghệ điện phân bằng màng ngăn (công nghệ Diaphragm) và công nghệ điện phân bằng màng trao đổi ion (công nghệ Membrane).
Trong công nghệ điện phân thì công nghệ dùng màng trao đổi ion (IEM) là công nghệ hiện đại, trong đó lại có hai nhánh là công nghệ màng trao đổi ion sử dụng điện cực khe hẹp tức là có khe hẹp giữa các điện cực catot và anot (NGT) và công nghệ dùng điện cực không khoảng cách tức là loại bỏ khe giữa hai điện cực (ZGT). Công nghệ ZGT là công nghệ mới nhất, tiêu hao năng lượng thấp và có hiệu suất cao nhất. Hàng năm, Công ty sản xuất 30.000 tấn NaOH (xút tiêu chuẩn 100%) theo công nghệ IEM, trong đó: Công nghệ NGT là 10.000 tấn xút/năm và Công nghệ ZGT là 20.000 tấn xút/năm.
Việc loại bỏ khe giữa hai điện cực làm cho điện áp đặt giữa hai điện cực giảm mà dòng điện vẫn giữ nguyên, thậm chí cao hơn. Điều đó dẫn đến tăng hiệu suất điện phân mà lại giảm tiêu hao điện cho một đơn vị sản phẩm.
Thực tiễn sản xuất xút tại Hóa chất Việt Trì cho thấy, việc sử dụng công nghệ ZGT làm giảm tổn hao điện năng (từ 2.160 kWh/tấn xút xuống 2.016 kWh/tấn xút), tăng sản lượng sản phẩm điện phân. Đây là kết quả Đề tài “Nghiên cứu, cải tạo thiết bị điện phân Công nghệ điện cực khe hẹp sang công nghệ không khoảng cách nhằm gia tăng công suất và giảm chi phí sản xuất xút” do Công ty thực hiện.
Đến năm 2019, Công ty đã thống nhất hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất xút – clo với công nghệ tiên tiến hiện đại nhất, giảm thiểu các chất thải độc hại phát sinh trong quá trình sản xuất, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Liên tục cải tiến nâng cao năng suất
Cùng với việc nâng cao năng suất các sản phẩm hóa chất cơ bản, Công ty cũng nhận thấy thị trường sử dụng acid HCl chất lượng cao (acid HCl 35%) trong các ngành công nghiệp ngày càng lớn, trong khi dây chuyền sản xuất acid HCl của Công ty hiện tại có 03 hệ lò tổng hợp với tổng công suất tối đa 300 tấn/ngày được đầu tư từ năm 2011, 2014 và năm 2016 không đáp ứng đủ yêu cầu. Vì vậy, để phát huy hết công suất của ba dây chuyền điện phân xút – clo, lãnh đạo Công ty quyết định đầu tư thêm 01 hệ lò tổng hợp acid HCl (3 trong 1), tích hợp sinh hơi, công suất 200 tấn/ngày.
Năm 2019, dây chuyền sản xuất axit HCl sinh hơi số 1 hoàn thành và đi vào sản xuất ổn định. Từ thành công này, tháng 12/2020 Công ty đầu tư lò đốt tổng hợp HCl có sinh hơi công suất 200 tấn/ngày số 2, tiết kiệm được lượng viên nén mùn cưa đốt ở lò hơi lên gấp đôi, giảm thiểu phát thải ra môi trường.
Cùng với đó, năm 2020, Công ty tiếp tục cải tạo dây chuyền sản xuất PAC để tạo sự khác biệt, khẳng định thương hiệu thông qua đề tài: “Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm PAC bột hàm lượng Al2O3 ≥ 30% và công suất sản xuất PAC bột từ 15.000 tấn/năm lên 25.000 tấn/năm”.
Tháng 4/2020, toàn bộ dây chuyền sản xuất PAC bột đưa vào sản xuất với thành quả và sáng tạo của tập thể CBCNV Công ty CP Hóa chất Việt Trì. Nhờ việc ứng dụng thành công hệ thống tự động hóa trong điều khiển và giám sát quá trình, năng suất làm việc của 01 công nhân vận hành tăng gấp 1,6 lần: từ 15 tấn/ca lên 25 tấn/ca. Môi trường làm việc được cải thiện nhờ hệ thống vận chuyển bột được khép kín. Chất lượng sản phẩm được nâng cao tương đương với các sản phẩm PAC bột nhập khẩu từ nước ngoài.
Cũng tháng 4/2020, Công ty đầu tư dây chuyền cô đặc xút nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu của thị trường, giảm chi phí sản xuất, tự động hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu phát thải môi trường.
Việc đầu tư thay thế hệ thống công nghệ và thiết bị cô đặc xút từ 32% lên 50% NaOH đã giúp Công ty giảm 30% cước vận tải, đồng thời tận dụng được nguồn hơi phát sinh trong quá trình sản xuất và giảm chi phí nhân công. Ngoài ra, với đặc thù là sản phẩm dạng lỏng, sức chứa của kho có giới hạn nhất định, khoảng 3.500m3 chứa được tối đa 1.500 tấn NaOH 100% (khoảng 12 ngày sản xuất). Khi việc tiêu thụ gặp khó khăn nhất thời, sản phẩm tồn kho sẽ gây khó khăn cho việc điều tiết sản xuất kinh doanh. Cô đặc NaOH lên 50% sẽ tăng sức chứa lên 25%, tương đương 1.900 tấn NaOH 100%.
Không chỉ chú trọng vào khâu sản xuất, để hướng tới một doanh nghiệp sản xuất xanh, Công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng trang bị dây chuyền xử lý nước thải khép kín theo công nghệ hiện đại. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt sử dụng sông nghệ sinh học để xử lý các chất hữu cơ hoà tan có trong nước thải cũng như một số chất ô nhiễm vô cơ khác như H2S, sunfit, ammonia, nitơ… dựa trên cơ sở hoạt động của vi sinh vật để phân huỷ chất hữu cơ gây ô nhiễm, nước sau xử lý đạt mức A-QCVN 40:2011/BTNMT sẽ được xả về hồ tuần hoàn tái sử dụng cho sản xuất. Công trình này đã nhận được giải thưởng Cúp Vàng vì sự nghiệp bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng.
Chia sẻ về những kết quả đạt được sau quá trình nỗ lực đổi mới công nghệ và cải tiến chất lượng sản phẩm, ông Văn Đình Hoan – Tổng giám đốc Công ty cho biết, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng suất tiêu hao củi ép/tấn xút 32% năm 2020 so với năm 2016 đạt 52,74%. Đây thực sự là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Công ty CP Hóa chất Việt Trì, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp sản xuất sạch và phát triển bền vững của ngành Hóa chất Việt Nam.