Theo thống kê, bệnh viện là một trong những đối tượng tiêu thụ năng lượng lớn trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng chung, vì vậy để thực hiện tiết kiệm năng lượng cho các cơ sở y tế nói chung không chỉ góp phần tiết kiệm năng lượng cho quốc gia mà còn cải tạo môi trường trong lành, nâng chất lượng dịch vụ...
Để việc thực hiện tiết kiệm điện có hiệu quả, thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Vinh đã tiến hành 2 giải pháp: Giải pháp kỹ thuật và giải pháp hành chính. Nhiều giải pháp được áp dụng vừa tiết kiệm năng lượng, đồng thời vẫn đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, tiết giảm nhiều chi phí. Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, thời gian cao điểm sản lượng điện tiêu thụ tại đây lên đến 140.000 kwh/tháng.
Bệnh viện là một trong những nơi tiêu thụ năng lượng cao. Ảnh: Việt Phương
Thực hiện giải pháp tiết kiệm điện năng, bệnh viện đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống bóng đèn sợi đốt sang sử dụng bóng đèn led, tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên. Các khoa, phòng đều lắp đặt công tơ riêng để tiện quản lý, theo dõi việc sử dụng điện.
Ngoài khuyến khích, bệnh viện đưa quy định tiết kiệm điện vào thi đua giữa các khoa, phòng, bộ phận. Các vị trí khoa, phòng luôn có công tơ để hỗ trợ, thi đua. Các khoa, phòng có trách nhiệm quản lý chỉ tiêu điện năng tiêu thụ hàng tháng của phòng, ban mình theo công tơ điện treo ở khoa, phòng mình.
Tại Bệnh viện Quốc tế Vinh, không chỉ thiết kế tận dụng nguồn sáng tự nhiên, mà tất cả công tắc đèn chiếu sáng được chia tách nhằm hạn chế việc bật đồng loạt; hệ thống thang máy cũng được lắp đặt thông minh tránh việc chờ lâu giữa các tầng. Tổng lượng điện tiêu thụ được kiểm soát và so sánh hàng tháng. Theo lãnh đạo Bệnh viện Quốc tế Vinh, đơn vị thường xuyên có giải pháp tiết kiệm điện và theo dõi lượng điện tiêu thụ từng tháng, quý và năm. Qua theo dõi, so sánh 2 năm liền kề gần đây thì lượng điện tiêu thụ giảm rõ rệt từ 5-10%/năm.
Thành phố Vinh hiện có hàng chục cơ sở y tế đang hoạt động. Do đặc thù chuyên môn, điện năng tiêu thụ cho hệ thống máy móc thiết bị của một số bộ phận tại các cơ sở y tế phải đảm bảo 24/24h. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ điều trị, nhiều cơ sở y tế đã cố gắng đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, đặc biệt là trang bị máy điều hòa không khí cho toàn bộ các khu vực khám và điều trị.
Vào mùa cao điểm nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ tại các cơ sở y tế tăng cao. Lãnh đạo Điện lực thành phố Vinh cho biết, hằng năm đơn vị đều làm việc trực tiếp với các cơ sở y tế để tư vấn, tuyên truyền, kiểm tra thực tế. Những thiết bị sử dụng chưa đồng bộ, chưa hợp lý, hoặc những thiết bị tiêu tốn điện năng cao thì điện lực tư vấn sử dụng những thiết bị tiết kiệm năng lượng, tận dụng tốt những nguồn sáng, thông gió tự nhiên.
Với hệ thống thiết bị đặc thù khiến các cơ sở y tế tiêu thụ nhiều năng lượng. Ảnh: Việt Phương
Thực tế, nhiều cơ sở y tế hiện đang sử dụng máy điều hòa không khí thế hệ cũ, không có sử dụng công nghệ tiết kiệm điện. Công suất lạnh của các máy điều hòa không khí hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu cần điều hòa không khí của các phòng bệnh, khiến các bệnh nhân phải vừa bật máy vừa mở cửa sổ. Thực trạng này vừa gây tổn hao năng lượng cho hệ thống điều hòa mà không giúp cung cấp nguồn không khí trong lành cho bệnh nhân. Do vậy, việc đầu tư đổi mới công nghệ cho hệ thống điều hòa không khí tại các cơ sở y tế được xem là giải pháp cần thiết để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí và góp phần cải thiện môi trường không khí xanh, sạch trong bệnh viện.
Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng là những giải pháp hữu hiệu, giảm bớt chi phí khi mà các cơ sở y tế đang từng bước đi vào tự chủ tài chính như hiện nay. Ngoài ra, việc khuyến khích các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm phải tuân thủ quy định về tiết kiệm năng lượng là cần thiết, để đảm bảo sự bền vững cho khả năng cung ứng năng lượng trong tương lai.
Theo: Báo Nghệ An