(BĐT) - Việt Nam có tiềm năng lớn để thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp. Tùy theo tính chất, quy mô của dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL), mô hình dự án đầu tư TKNL với sự tham gia của các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) có thể lựa chọn theo mô hình ESCO làm tổng thầu hoặc ESCO làm chủ đầu tư.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn. Ảnh: Lê Tiên
Theo Vụ TKNL và Phát triển bền vững thuộc Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam chiếm tới 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng TKNL trong công nghiệp của Việt Nam có thể lên đến 25 - 40%. Điều này cho thấy, việc sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp chưa hiệu quả, vẫn còn lãng phí.Sử dụng năng lượng lãng phí
Kết quả thực hiện Dự án Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ cũng chỉ rõ, tiềm năng TKNL của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp đang rất lớn. Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ TKNL của 2.409 DN sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc các lĩnh vực khác nhau như giấy; thức ăn chăn nuôi; thép; xi măng…, đã có 108 giải pháp TKNL được đề xuất. Thực hiện các giải pháp này, các DN có tiềm năng tiết kiệm khoảng 78.000 USD/năm, cắt giảm 606.000 tấn CO2/năm với mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD, thời gian hoàn vốn là 2,6 năm. Đến nay, có 10 DN tiêu thụ năng lượng lớn có tiềm năng TKNL đã được lựa chọn kiểm toán năng lượng như: Công ty CP Giấy An Hòa; Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại…
Liên quan đến việc sử dụng năng lượng của các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp, trước đó, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện cho biết: “Năm 2015, chỉ có 14% DN trong ngành chế biến, chế tạo được điều tra có công nghệ dưới 3 năm, trong khi 53% DN có công nghệ từ 6 năm trở lên do nguồn vốn và nguồn lực hạn hẹp. Phần lớn DN không được kiểm toán báo cáo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trừ một số DN quy mô lớn”.
2 mô hình đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng
Đánh giá về thị trường đầu tư TKNL, các nghiên cứu chỉ ra, TKNL là thị trường đầu tư hấp dẫn. Đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực này đạt 221 tỷ USD năm 2015 với khoảng 14% khoản đầu tư được tài trợ bởi cơ chế TKNL cụ thể như ESCO hoặc trái phiếu xanh. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, đầu tư vào TKNL sẽ tăng 4,4% mỗi năm cho đến năm 2050. Tại Việt Nam, đây cũng là thị trường đầu tư đầy tiềm năng.
Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư TKNL, theo ông Lê Tuấn Phong, chuyên gia năng lượng, ở những nước phát triển, thông thường các DN công nghiệp chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, việc thực hiện TKNL phần lớn do các ESCO đảm nhiệm. ESCO là DN được cấp giấy phép hoạt động để cung cấp các dịch vụ năng lượng như: giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng toàn diện và bảo tồn năng lượng; đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng, cho thuê hạ tầng năng lượng, cung cấp năng lượng và quản lý rủi ro… Khách hàng là các bên sử dụng năng lượng, DN có nhu cầu sử dụng các dịch vụ như kiểm toán năng lượng, tư vấn một hoặc nhiều giải pháp, đầu tư, cung cấp, lắp đặt, vận hành hệ thống trang thiết bị, máy móc do ESCO cung cấp. Theo đó, tùy theo mô hình triển khai, chủ đầu tư có thể là DN hoặc là các ESCO thông qua các hợp đồng: ESCO tư vấn/cung cấp dịch vụ năng lượng; hợp đồng hiệu quả năng lượng (gồm 2 dạng phổ biến: hợp đồng chia sẻ TKNL và hợp đồng đảm bảo TKNL).
Căn cứ vào tính chất, quy mô của dự án TKNL, ông Phong nhấn mạnh, hiện nay có 2 mô hình thực hiện các dự án đầu tư TKNL. Một là mô hình ESCO làm tổng thầu để phát triển và triển khai các dự án TKNL. Trong mô hình này, ESCO đóng vai trò trung gian giữa chủ đầu tư (DN) và các ESCO thầu phụ chịu trách nhiệm đảm bảo mức TKNL trong hợp đồng ký kết
Hai là mô hình ESCO làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm về thu xếp vốn để đầu tư phát triển và triển khai các dự án TKNL. Những thành quả sau đầu tư được các bên chia sẻ từ kết quả TKNL.
“Đây là các mô hình đầu tư rất hữu ích. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có dự án đầu tư TKNL nào được thực hiện theo các mô hình này tại Việt Nam”, ông Phong đánh giá.
Ông Lương Văn Đường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Phả Lại thuộc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại - một trong 10 DN được lựa chọn để thực hiện kiểm toán năng lượng và xây dựng báo cáo khả thi - bày tỏ mong muốn sớm đầu tư Dự án. Theo ông Đường, báo cáo đang hoàn thiện đối với Nhiệt điện Phả Lại có tính khả thi cao. Việc sớm đầu tư Dự án sẽ góp phần đáng kể vào việc tránh lãng phí công suất, tận dụng nhiệt thừa của các thiết bị trong nhà máy…