Sự kiện

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: THÁO GỠ KỊP THỜI NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH GIÁ ĐIỆN, THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM

Sự kiện diễn ra vào: 18/07/2023 (Thứ 3)

 

Sáng ngày 18/7, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tiếp thu ý kiến góp ý tại Hội thảo, trong đó đặc biệt quan tâm những đề xuất “đúng” và “trúng”, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam trong trước mắt, cũng như lâu dài.

HỘI THẢO CHÍNH SÁCH GIÁ ĐIỆN, THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM: MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP

Toàn cảnh Hội thảo.

Trong khuôn khổ hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”.

Chủ trì Hội thảo có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy – Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam – ĐBQH tỉnh Ninh Thuận; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi.

Dự hội thảo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh; đại lãnh đạo, Ủy viên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các chuyên gia của Đoàn Giám sát; Đại biểu Quốc hội; đại diện Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than khoáng sản; đại diện các ban của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Viện nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện trường Đại học Điện lực, Đại học Điện lực, các viện, trung tâm nghiên cứu…

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng đã bám sát chủ trương của Đảng, có những bước phát triển nhanh chóng, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành năng lượng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giám sát chuyên đề về vấn đề này và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, trong lĩnh vực năng lượng, ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chính sách giá điện, thị trường điện ở nước ta là những vấn đề cốt lõi, đối với sự phát triển ngành điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam… Đây cũng là chủ đề thời sự, được lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội quan tâm; có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa rất lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng nói chung và phát triển điện lực nói riêng. Đây là lý do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu mở đầu Hội thảo.

Kết quả Hội thảo sẽ giúp Đoàn giám sát có thêm cơ sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất, kiến nghị “đúng” và “trúng” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có chính sách, pháp luật về giá và thị trường điện, hướng tới mục tiêu dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, những ý kiến phát biểu, thảo luận, chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin, tư liệu quý giá đối với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiến hành giám sát chuyên đề và trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trình bày tham luận, thảo luận về nhiều vấn đề như: Hệ thống, chính sách pháp luật về giá điện và thị trường điện Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra và giải pháp; Hệ thống, chính sách pháp luật về giá điện và thị trường điện Việt Nam – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện; Thực trạng vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, giá điện  trên thị trường cạnh tranh: Hiện trạng và dự báo biến động; Chính sách phát triển điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà; Giá điện Việt Nam: so sánh tương quan với giá điện các nước trong ASEAN; Tác động của giá nhập khẩu năng lượng sơ cấp đến cơ cấu giá điện; Áp dụng Cơ chế giá điện thị trường bán lẻ để đáp ứng nhu cầu điện  cho phát triển kinh tế; Quản lý giá điện theo cơ chế thị trường: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp cần có; Các vấn đề cấp bách trong việc thực hiện thị trường điện tại Việt Nam; Cải cách giá điện gắn với tái cơ cấu ngành điện Việt Nam; Những bất cập trong cơ chế định giá và thực hiện thị trường mua bán điện - Một số kiến nghị...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự chủ động cũng như công tác chuẩn bị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đối với nhiệm vụ chủ trì tham mưu trong các hoạt động của Đoàn giám sát; đồng thời, hoan nghênh và biểu dương Ủy ban trong việc phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo về “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp” để có thêm thông tin phục vụ hoạt động giám sát và dự thảo Báo cáo kết quả giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, các vị ĐBQH đã dành thời gian tham dự Hội thảo; Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đại diện các hội, cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, các vị ĐBQH trao đổi, thảo luận và cung cấp những thông tin, cơ sở khoa học và thực tiễn rất cơ bản về chính sách giá điện và thị trường điện lực Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị giải pháp cho thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua ý kiến tại hội thảo cũng như ý kiến của cử tri và các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ cho thấy, chính sách giá điện của Việt Nam thời gian qua đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, chính sách giá điện, thị trường điện còn nhiều bất cập, hạn chế; có ý kiến cho rằng cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý; công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện; cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần…

Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trong đó có thị trường điện thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực năng lượng. Việc hình thành thị trường điện triển khai chậm, nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng điện. Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn một số bất cập, có ý kiến cho rằng cần rà soát, đánh giá lại việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ điện…

Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện. Bên cạnh đó, chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới. Những tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc về giá điện, thị trường điện hiện nay ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Những vấn đề trên đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có cách làm mới, giải pháp đột phá để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là mục tiêu của Đoàn giám sát chuyên đề được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao phó.

Để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và mục tiêu, kế hoạch đề ra của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục cùng với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo để xây dựng Báo cáo tổng thuật, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát. Trong đó đặc biệt quan tâm những đề xuất thật sự thực chất, hiệu quả, “đúng” và “trúng”, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam trước mắt, cũng như lâu dài…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo có chất lượng, để cung cấp thông tin, luận điểm khoa học, cơ sở thực tiễn, bảo đảm cho Đoàn giám sát có nhìn nhận, đánh giá đa chiều đối với sự phát triển năng lượng của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2021, giải pháp cho thời gian tới; mong muốn Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các hội, cơ quan nghiên cứu và các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm, đóng góp công sức, trí tuệ cho hoạt động giám sát của Quốc hội và quá trình phát triển bền vững của ngành năng lượng, quá trình phát triển của đất nước.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi điều hành nội dung thảo luận.

Đại diện lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương trình bày tham luận: Hệ thống chính sách, pháp luật về giá điện và thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc tham luận với chủ đề: Hệ thống chính sách, pháp luật về giá điện, thị trường điện Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế phát biểu tại Hội thảo.

Đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió, điện mặt trời tỉnh Bình Thuận tham luận chuyên đề: Việc triển khai giá FIT thời gian qua: Những bài học kinh nghiệm được rút ra và giải pháp cho thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội nghị.

Theo: quochoi.vn

Để có thể bình luận, xin vui lòng đăng nhập

Dự án "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam"

24/10/2023

Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện Dự án "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam"

Ra mắt hoạt động thí điểm Câu lạc bộ hiệu quả năng lượng và khí hậu tại Thái Nguyên

20/10/2023

Ngày 19-10, tại TP. Thái Nguyên, Chương trình Hỗ trợ năng lượng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Lễ ra mắt hoạt động thí điểm Câu lạc bộ (CLB) hiệu quả năng lượng và khí hậu tại tỉnh Thái Nguyên.

Phát động cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023

12/10/2023

Ngày 12 tháng 10 năm 2023, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023”.

ĐỨC ĐỒNG HÀNH CÙNG VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG, CHUYỂN DỊCH VIỆC LÀM

21/09/2023

Sáng nay (20/9), Hội thảo Chuyển dịch năng lượng công bằng = Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam - Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng thu hút gần 500 Đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến, cùng phân tích và đánh giá Chuyển dịch năng lượng mang tới cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam.

Khoá đào tạo Kiểm toán viên năng lượng tháng 9/2023

19/09/2023

Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng - ENERTEAM, tổ chức khóa đào tạo “Kiểm toán viên năng lượng”.

Phát động các giải thưởng Hiệu quả năng lượng năm 2023

08/09/2023

Ngày 06/9/2023, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức Lễ phát động “Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp – công trình xây dựng năm 2023; Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2023”.