Một cuộc khảo sát về năng lực của các tổ chức công cấp tỉnh có nhiệm vụ, chức năng liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gần đây cho thấy, mặc dù đã có những đóng góp tích cực vào việc triển khai các chương trình/dự án tiết kiệm năng lượng tại các địa phương, tuy nhiên cũng nhận thấy mức độ không đồng đều về nguồn lực của các tổ chức này, thực tế có những tổ chức chưa đủ khả năng để độc lập thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Đây là kết quả khảo sát và đánh giá sơ bộ do Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện, được trình bày tại Hội thảo về các hoạt động nâng cao năng lực cho tổ chức công có nhiệm vụ và chức năng về Hiệu quả năng lượng ở Việt Nam vừa mới được tổ chức trực tuyến.
Thực trạng hoạt động hiệu quả năng lượng của các tổ chức công
Báo cáo trình bày tại Hội thảo cho thấy, từ năm 2006 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) qua 3 giai đoạn, trong đó 2 giai đoạn đầu đã thu được một số kết quả rất tích cực, hoạt động hiệu quả năng lượng đã được triển khai đồng bộ trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng. Theo thống kê, giai đoạn 2006-2010 (VNEEP1), tổng mức tiết kiệm đạt được là 3,4% (tương đương với 4,9 triệu tấn dầu quy đổi); Giai đoạn 2011-2015 (VNEEP2), tổng mức tiết kiệm đạt được là 5,65% (tương đương với 11,2 triệu triệu tấn dầu quy đổi). Trung bình, cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm cho cả giai đoạn 2006-2015. Với kết quả tích cực này, khi xây dựng VNEEP3, Chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019-2030, tương đương khoảng 60 triệu triệu tấn dầu quy đổi.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, các kết quả tích cực này có phần đóng góp không nhỏ và hiệu quả của các tổ chức công lập trong và ngoài ngành Công Thương, bao gồm các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và nhiều Tổ chức công lập khác tại các địa phương. Và để thực hiện được mục tiêu của Chương trình VNEEP3, càng không thể thiếu vai trò của các tổ chức công này, trong đó đặc biệt là sự đóng góp của các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương và các Tổ chức công thuộc Sở Khoa học và Công nghệ trực thuộc các tỉnh, thành phố.
Kết quả khảo sát đánh giá về năng lực của các tổ chức công cấp tỉnh liên quan đến hoạt động hiệu quả năng lượng tại Việt Nam do VECEA thực hiện cho thấy, đa số các tổ chức công đều có các phòng, ban chuyên môn và biên chế cán bộ chuyên trách về hiệu quả năng lượng, tuy nhiên, trang thiết bị, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho hoạt động hiệu quả năng lượng còn thiếu về số lượng và chủng loại; lực lượng cán bộ quản lý không được cập nhật kiến thức, số lượng kiểm toán viên năng lượng không ổn định, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm; kinh phí hoạt động hiệu quả năng lượng phần lớn là từ nguồn vốn nhà nước hoặc được tài trợ, chưa có mô hình liên kết hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, doanh thu từ hoạt động tư vấn về hiệu quả năng lượng còn chiếm tỷ trọng thấp, các hoạt động đầu tư theo mô hình ESCO về hiệu quả năng lượng cũng gần như chưa được thực hiện.
Nguyên nhân một phần do Chương trình VNEEP3 năm 2019 mới được phê duyệt. Một số địa phương không có kế hoạch bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động tiết kiệm năng lượng cho giai đoạn từ 2015-2019. Sau nhiều năm, các tổ chức công cấp tỉnh đều trong tình trạng các trang thiết bị phục vụ công tác tiết kiệm năng lượng vừa thiếu, vừa chưa được cập nhật các công nghệ mới. Bà Nguyễn Thị Tâm – Trưởng Phòng Hợp tác – Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhiều thiết bị về tiết kiệm năng lượng của Trung tâm đã có tuổi đời hơn 10 năm, hiện Trung tâm đang rất mong muốn tham gia các Dự án để tìm kiếm nguồn lực đầu tư thêm một số máy móc thiết bị công nghệ mới để phục vụ công tác đào tạo. Được biết, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, mỗi năm đơn vị này đào tạo được khoảng 3-4 khóa kiểm toán viên năng lượng; 10-12 khóa cán bộ quản lý năng lượng, đồng thời có riêng 01 Xưởng Quản lý năng lượng với đầy đủ trang thiết bị Cơ - Nhiệt - Điện, cho các học viên thực hành. Đây là có thể nói là một trong những đơn vị được đánh giá hoạt động hiệu quả, mặc dù vậy cũng gặp phải những khó khăn chung như hầu hết các tổ chức công cấp tỉnh khác khi đã lâu không có nguồn kinh phí từ Chương trình để nâng cao năng lực trong công tác đào tạo, cũng như nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách về tiết kiệm năng lượng, để có thể hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả.
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Quân – Trưởng phòng Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho rằng, các tổ chức công cấp tỉnh thường gặp vấn đề khó khăn khi làm việc với khách hàng để triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, trong đó có lý do về nhận thức và nguồn vốn của doanh nghiệp. Theo ông Quân, cần nâng cao năng lực cho các tổ chức công thông qua đào tạo nâng cao định kỳ và hỗ trợ nguồn vốn mua sắm trang thiết bị chuyên dụng để nâng cao chất lượng tư vấn. Thực tế hoạt động nhiều năm cho thấy, cần tiếp tục làm tốt khâu tuyên truyền và cần thiết ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiêm năng lượng. Bởi với nguồn kinh phí hạn hẹp, các đơn vị không thể làm thường xuyên, liên tục, dẫn đến hiệu quả không được như kỳ vọng.
Các khuyến nghị nâng cao năng lực hoạt động hiệu quả năng lượng cho các tổ chức công
Với các vấn đề đặt ra tại Hội thảo về hoạt động nâng cao năng lực cho tổ chức công có nhiệm vụ và chức năng về Hiệu quả năng lượng ở Việt Nam và qua kết quả khảo sát của VECEA, dựa trên đánh giá năng lực của các cán bộ, xem xét nhiệm vụ, ngân sách và đặc điểm phát triển công nghiệp của từng địa phương, cũng như nhu cầu đặc thù của từng tổ chức công, các chuyên gia đã cùng thảo luận, đề xuất ý kiến xây dựng chương trình phát triển năng lực phù hợp và khả thi tại Việt Nam. Các hoạt động hướng tới triển khai theo mô hình kết nối hợp tác song phương (giữa các tổ chức tại Việt Nam & Đức) để trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ theo đúng nhu cầu, đúng thời điểm.
Đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức công cấp tỉnh
Qua các ý kiến tại Hội thảo và kết quả khảo sát thực tế có thể thấy, cần thiết phải tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức công, trong đó xác định chia ra làm 2 mức, cụ thể:
+ Đào tạo cơ bản các kiến thức chung về kiểm toán năng lượng, mô hình quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà, giới thiệu công nghệ - thiết bị tiết kiệm năng lượng, truyền thông cộng đồng về hiệu quả năng lượng. Cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011, Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng, Chứng chỉ Kiểm toán năng lượng có thời hạn 5 năm (thay vì không có thời hạn như hiện nay), để buộc các kiểm toán viên năng lượng phải chủ động thường xuyên, liên tục cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo chất lượng của các báo cáo kiểm toán năng lượng.
+ Đào tạo nâng cao với các chuyên đề về phát triển và quản lý dự án hiệu quả năng lượng, tích hợp hệ thống, tối ưu hệ thống Cơ - Nhiệt - Điện, chuyển đổi số để nâng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp…
Đại diện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP.Hồ Chí Minh (Saigon Innovation Hub) – ông Diệp Thế Cường, cũng mong muốn có thể tiếp cận tham gia các nguồn tài trợ nâng cao năng lực về quản lý các dự án ESCO cho các tổ chức công. Mặc dù đã có kinh nghiệm triển khai các hoạt động về tiết kiệm năng lượng từ những ngày đầu Chương trình VNEEP đi vào hoạt động, nhưng những khó khăn về cơ chế, chính sách cũng khiến các dự án ESCO của Trung tâm chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đây cũng là ý kiến được ông Michael Geißler – Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Berlin (BEA) đồng tình ủng hộ. Theo ông Michael Geißler, cần có một khung pháp lý cụ thể cho việc triển khai, quy trình đấu thầu và hợp đồng được quy chuẩn hóa, có bên trung gian quản lý và hòa giải trong các tình huống xung đột… Có như vậy các tổ chức và doanh nghiệp mới có thể triển khai các hoạt động hiệu quả năng lượng thành công.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng
Việc các tổ chức công cấp tỉnh đang thiếu trang thiết bị để triển khai hoạt động tư vấn và đào tạo kiểm toán viên năng lượng, cũng như chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng không đồng đều giữa các vùng miền và thiếu chuyên gia có kinh nghiệm là điều không cần bàn cãi. Vấn đề là làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các tổ chức năng lượng hàng đầu của Đức đều nhấn mạnh tới việc hợp tác song phương, đúng người, đúng thời điểm. Tiến sĩ Nicole Glanemann - Phó trưởng ban Hợp tác năng lượng song phương Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác và đối thoại liên tục giữa BMWK và Bộ Công Thương về chính sách chuyển dịch năng lượng, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực chung, đảm bảo việc chuyển đổi hệ thống năng lượng thân thiện với khí hậu, đáng tin cậy và hợp lý. Bà Nicole Glanemann nhấn mạnh, “các tổ chức công luôn là công cụ mạnh mẽ để thực hiện các tầm nhìn chiến lược và thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động phát triển năng lực liên tục là cần thiết để các tổ chức công hoạt động tốt, đóng góp cho những bước tiến lâu dài trong công tác hiệu quả năng lượng của quốc gia”.
Việc hợp tác sẽ phải được lựa chọn kỹ càng các đối tác phù hợp của Việt Nam và CHLB Đức để kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệp triển khai các dự án hiệu quả năng lượng cụ thể. Quan điểm hợp tác ưu tiên xây dựng dự án/mô hình thí điểm về hiệu quả năng lượng áp dụng mô hình quản lý và thiết bị công nghệ hiện đại của CHLB Đức tại Việt Nam, để phục vụ hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho kiểm toán viên năng lượng và người quản lý năng lượng. Mặt khác, sẽ chú trọng hỗ trợ và hợp tác để triển khai mạng lưới hiệu quả năng lượng (Energy Network) thí điểm tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh.
Nhìn nhận vấn đề hợp tác song phương, ông Markus Bissel - Trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng (Dự án 4E, GIZ) chia sẻ, “các tổ chức công sẽ luôn là một kênh tiếp cận hiệu quả trên phạm vi quốc tế để thực hiện các tầm nhìn chiến lược và đặc biệt để thúc đẩy các hoạt động và đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng”.