Tin tức

Hiện chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình điện mặt trời mái nhà tự dùng. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng, chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển.

Điện mặt trời áp mái giúp tiết kiệm chi phí

Tại Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp, tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” ngày 17.5, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Quyết định số 896/QĐ-TTg về “Phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” cũng đã đề ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo từng lĩnh vực.

Việc sử dụng điện mặt trời áp mái có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm từ 10-30% chi phí điện
Việc sử dụng điện mặt trời áp mái có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm từ 10 - 30% chi phí. Nguồn: ITN

Với ngành năng lượng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được ban hành cũng được thiết kế mang đậm chất chuyển dịch năng lượng. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 31 - 39%; năm 2050 là 67,5 - 71,5%. 

Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ: điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển.

Theo phản ánh của các hiệp hội, ngành hàng sản xuất như dệt may, thủy sản…, sử dụng điện mặt trời áp mái có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm 10 - 30% chi phí điện. Doanh nghiệp rất muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, ngoài lợi ích về tiết kiệm chi phí; từ đó có lợi thế nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu.

Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 Hà Mạnh cho biết, 90% sản phẩm của May 10 được xuất khẩu nên buộc phải chứng minh được tính "xanh hóa" trong sản xuất. May 10 đã đưa vào sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy dự án mới Bỉm Sơn Thanh Hóa, chính thức cung cấp điện xanh từ giữa tháng 4.2023.

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng chỉ ra khó khăn hiện nay là vẫn chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn rõ ràng về quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho nhu cầu tự dùng. Những quy định liên quan về đấu nối với lưới điện hiện hữu (kể cả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và của bên thứ 3 đầu tư hạ tầng lưới điện ở các khu công nghiệp), phòng cháy chữa cháy (PCCC), giấy phép xây dựng… cho mô hình này chưa rõ ràng, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa dám đầu tư lắp đặt.

Sớm có quy định rõ ràng

Các doanh nghiệp khác cũng than phiền, hiện nay việc lắp điện mặt trời mái nhà đang gặp nhiều vướng mắc bởi tiêu chí, nhất là với doanh nghiệp tự lắp đặt phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và sản xuất. Doanh nghiệp nhiều khi chỉ nhận được những quyết định mang tính chung chung của các công ty điện lực địa phương, không biết triển khai như thế nào.

Liên quan đến thủ tục phòng PCCC cũng gặp nhiều bất cập. Bởi, với các nhà máy và công trình cũ đã hoạt động được thẩm duyệt PCCC, được nghiệm thu hệ thống PCCC theo quy định cũ, hàng năm các cơ quan chức năng đến kiểm tra và đánh giá đạt yêu cầu. Đến nay, nếu lắp điện mặt trời mái nhà sẽ phải thẩm duyệt lại PCCC, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo, sửa chữa, lắp mới thêm nhiều hạng mục PCCC để thỏa mãn điều kiện. Điều này sẽ gây ra nhiều bất cập do các nhà máy cũ, bởi doanh nghiệp hoạt động liên tục nên rất khó có thể dừng sản xuất để điều chỉnh theo quy định mới. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong cơ quan chức năng có hướng giải quyết phù hợp cho doanh nghiệp, để vừa bảo đảm công tác phòng cháy vừa giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp sản xuất.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) Nguyễn Hoài Nam thông tin, mới đây VASEP nhận được văn bản các doanh nghiệp thành viên cho biết có nhu cầu lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì. Quy hoạch điện VIII đã được ban hành, VASEP mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành cơ chế lắp đặt điện mặt trời áp mái để các công ty chuyên về lĩnh vực này có thể áp dụng và giúp doanh nghiệp trong ngành chúng tôi lắp đặt, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu. Đồng thời, Bộ Công thương nhanh chóng hỗ trợ về cơ chế để doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, Quy hoạch điện VIII ra đời là rất tốt, nhưng chi tiết về quản lý cần được chuẩn hóa để có một tiêu chuẩn thống nhất trên cả nước. Các nhà phát triển năng lượng mặt trời, điện áp mái cần phải có tầm nhìn, đưa ra các khả năng an toàn trong lắp đặt và sử dụng. Về phía cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Lam Ngọc
Theo: daibieunhandan.vn
Để có thể bình luận, xin vui lòng đăng nhập

Thông báo nhận hồ sơ các Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

04/10/2024

Ban tổ chức thông báo nhận hồ sơ Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, công trình xây dựng và Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024 đến hết ngày 15/11/2024.

ENTECH 2024, Hanoi-Vietnam

14/05/2024

HỘI TRỢ TRIỂN LÃM QUỐC TẾ CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG - MÔI TRƯỜNG 2024

Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam

28/10/2023

Sáng ngày 26/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy thị trưởng đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

RA MẮT THÍ ĐIỂM CÂU LẠC BỘ HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG VÀ BẢO VỆ KHÍ HẬU

22/10/2023

Ngày 17 và 19/10 vừa qua, Lễ ra mắt Thí điểm Câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng và Bảo vệ Khí hậu đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên.

Sốt ruột chờ thị trường điện cạnh tranh

15/10/2023

Phải sớm có cơ chế giải quyết vấn đề bù chéo giá điện, đưa ra được giá thị trường điện, cho phép mua bán điện trực tiếp, bổ sung các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo…

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

14/10/2023

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ - RINH VỀ NHỮNG PHẦN QUÀ HẤP DẪN