Được đánh giá có tiềm năng lớn cho phát triển điện sinh khối, nhưng thực tế loại hình năng lượng này ở Việt Nam không được như kỳ vọng khi chỉ 3/10 dự án phát lên lưới.
Rơm là nguồn nhiên liệu có thể phát triển các dự án nhà máy điện sinh khối. Ảnh: Trung Chánh
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến “Kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cùng Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức vào hôm nay (25-11), ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, là nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng sinh khối dựa trên các nguồn tài nguyên sẵn có, bao gồm rơm rạ, trấu, gỗ, bã mía…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, đến từ Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh rằng, nguồn nhiên liệu để phát triển năng lượng sinh khối của Việt Nam rất đa dạng, bao gồm phế thải rừng, nhiên liệu sinh khối dạng phân tán như vườn cây gia đình, gỗ thải xây dựng, bã mía, rơm rạ và các loại phế thải khác.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, Việt Nam cũng đã ban hành rất nhiều cơ chế để khuyến khích phát triển điện sinh khối. Trong đó, cơ chế hỗ trợ giá FiT (viết tắt của Feed-in Tariff, được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ) cũng đã được Chính phủ nghiên cứu và đề xuất giá mua điện cao hơn so với trước đây.
Cụ thể, ông Tuấn cho biết, tại Quyết định 24 trước đây thì công nghệ đồng phát có giá FiT là 5,8 UScent/kWh nhưng bây giờ là 7,03 UScent/kWh. “Ngày xưa điện sinh khối miền Bắc, Trung, Nam dao động từ 7,35-7,55 UScent/kWh nhưng bây giờ là 8,47 UScent/kWh, tức sự khuyến khích cao hơn trước đây rất nhiều”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Hùng của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá, khả năng phát triển của loại hình năng lượng sinh khối còn rất khiêm tốn, chiếm chỉ khoảng 1% trên tổng công suất lắp đặt điện của Việt Nam là trên 75.000 MW.
Ông Tuấn cũng cho biết, Việt Nam có khoảng 10 dự án nhà máy điện sinh khối, nhưng chỉ có 3 dự án được ghi nhận công suất trên Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, bao gồm nhà máy KCP – Phú Yên, nhà máy điện sinh khối An Khê (Gia Lai) và nhà máy điện sinh khối Bourbon (Tây Ninh).
Theo ông Tuấn, công suất điện sinh khối chiếm tỷ lệ dưới 1% tổng công suất lắp đặt của cả nước là trên 75.000 MW. “Tuy nhiên, điện thương phẩm được đưa lên lưới tiêu thụ thậm chí chỉ có hơn 0,1%, tức chỉ ghi nhận có 3 nhà máy hoạt động là KCP- Phú Yên, An Khê và Bourbon”, ông cho biết.
Thậm chí ngay cả dự án nhà máy điện sinh khối An Khê, dù hoạt động ghi nhận công suất lên hệ thống, nhưng vẫn không như kỳ vọng. Ông Tuấn cho biết, dự án nêu trên được triển khai từ năm 2016 và hoàn thành vào năm 2018, bao gồm hai tổ máy với tổng công suất 90 MW (một tổ máy 40 MW và một tổ máy 50 MW), sử dụng nguồn nhiên liệu bã mía từ nhà máy đường An Khê và một số nguồn sinh khối phụ phẩm khác. Dự án cũng được đấu nối trực tiếp trên đường dây 220kV Pleiku- An Khê với công suất đăng ký phát lên lưới là trên 200 triệu kWh/năm, nhưng năm 2018 chỉ đạt 100 triệu kWh, tức chưa được 50% công suất so với dự kiến.
“Có tiềm năng, nhưng vì sao vẫn chưa phát triển?”, ông Tuấn nêu câu hỏi và cho biết có nhiều lý do. Trong đó, một thách thức cực kỳ lớn đối với nhà phát triển điện sinh khối, đó là giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ.
Ngoài ra, vốn đầu tư ban đầu cũng là trở ngại lớn, bởi khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi thật sự. Mặt khác, dù giá FiT mua điện cao hơn so với trước đây, nhưng vẫn chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Một yếu tố nữa, theo ông Tuấn, đó là Việt Nam thiếu kinh nghiệm phát triển, thiếu đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề. “Vấn đề khó khăn nhất mà chúng tôi khi trực tiếp lập dự án cho các nhà phát triển, đó là quy hoạch, đất đai cho phát triển vùng nhiên liệu phải cạnh tranh rất lớn đối với đất sản xuất nông nghiệp và trồng rừng”, ông cho biết.