Mức độ lãng phí năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá còn cao. Theo tính toán sơ bộ, lĩnh vực công nghiệp chiếm 47% tỷ trọng tiêu thụ năng lượng hàng năm và tiềm năng tiết kiệm năng lượng được đánh giá vào khoảng 20% - 30%.
Tiết kiệm năng lượng (TKNL) đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN) như tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như uy tín thương hiệu trong bối cảnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành tiêu chí trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng
Những năm gần đây nhiều giải pháp về tiết kiệm năng lượng, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ để cải thiện chế độ sử dụng năng lượng và giảm suất tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm được các DN chú trọng đầu tư. Các giải pháp TKNL được áp dụng tại các cơ sở sử dụng năng lượng đã có hiệu quả rất lớn, góp phần giảm phát thài khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Tiết kiệm năng lượng được xem là giải pháp tối ưu để các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí (Ảnh: Internet)
Điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tiêu tốn năng lượng như thép, xi măng, sản xuất chế tạo... đã chủ động hướng đi, đầu tư tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng điện phát của các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đã đạt trên 1 tỷ kWh. Với con số này, Hòa Phát tự chủ phần lớn điện sản xuất và tiết kiệm được khoảng 1.700 tỷ đồng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Bùi Văn Hữu, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, “Hòa Phát áp dụng các giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín, thu hồi triệt để nhiệt năng dư thừa để vận hành máy phát điện. Dây chuyền hiện đại của các nước G7 giúp tối ưu hóa sản xuất, tận dụng mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện than cốc, luyện gang để nâng cao hiệu suất phát điện.”
Trạm phát điện Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Ảnh: TTXVN)
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện có 4 tổ máy phát điện với tổng công suất 240 MW. Tổng lượng điện phát lên trạm 110 kV trong nửa đầu năm của công ty đạt 815 triệu kWh, bằng sản lượng điện phát cả năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc Hòa Phát Dung Quất tự chủ 70% điện sản xuất. Quy đổi với giá điện hiện hành, Khu liên hợp đã tiết kiệm được 1.300 tỷ đồng trong 6 tháng.
Cùng giải pháp trên, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương đạt sản lượng điện 242 triệu kWh, tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 6 tháng, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương đã tiết kiệm được 400 tỷ đồng nhờ tự chủ phần lớn năng lượng cho sản xuất.
Theo ông Đồng Xuân Văn, Trưởng Phòng Thiết bị điện - Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, công ty đưa vào vận hành tuabin máy phát điện số 5 công suất 50 MW, nâng tổng công suất phát điện của nhà máy lên 114 MW từ tháng 3/2021. Tỷ lệ tự chủ điện năng của công ty hiện đạt trên 90%.
Thép là một trong những lĩnh vực được liệt vào danh sách tiêu tốn năng lượng. Tuy nhiên, việc thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện là một giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giải pháp này còn phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là những tháng nắng nóng cao điểm.
Một doanh nghiệp khác cũng đi đầu và đẩy mạnh tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ trong sản xuất là Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà. Năm 2019 Sơn Hà đã đạt danh hiệu Sử dụng Năng lượng xanh 5 sao đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong sản xuất công nghiệp của Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Cổ phần quốc tế Sơn Hà: “Công ty đã áp dụng nhiều biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, giúp giảm 30% chi phí năng lượng cho sản xuất. Những sáng kiến như thay thế toàn bộ đèn LED trong nhà xưởng, thiết kế khu sản xuất tận dụng ánh sáng mặt trời, lắp đặt điện mặt trời áp mái hay ứng dụng công nghệ 4.0 trong nhiều công đoạn sản xuất giúp tăng năng suất gấp 15 - 20 lần so với trước đây, giúp tiết kiệm điện hơn rất nhiều.”
Hệ thống tấm lấy sáng tự nhiên tại công ty Sơn Hà (ảnh: Kinhte.vn)
Để duy trì hiệu quả công tác tiết kiệm năng lượng, Sơn Hà đã thành lập Ban quản lý năng lượng với 6 thành viên, có 01 cán bộ quản lý năng lượng được cấp chứng chỉ của Bộ Công Thương, có sơ đồ tổ chức Ban quản lý năng lượng, quy định chức năng nhiệm vụ của các thành viên trong ban. Ban hành chính sách năng lượng, kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng năm và năm năm. Công ty cũng đã ban hành các quy trình, quy định về quản lý năng lượng, tích hợp tự động hóa, hướng tới nền công nghiệp công nghệ 4.0.
Kế hoạch Sơn Hà đặt ra trong 5 năm tiếp theo là tiết kiệm được 710.785 kWh, tương đương với giảm phát thải 409,66 tấn CO2 và tương đương với số tiền tiết kiệm được 1,3 tỷ đồng.
Tôn vinh doanh nghiệp đi đầu thực hiện tiết kiệm năng lượng
Công nghiệp hiện đang là ngành kinh tế tiêu thụ năng lượng cũng như điện lớn nhất. Điều này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới khi Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa. Có thể nói sự gia tăng năng lượng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp là mối lo lắng của các nhà làm chính sách Việt Nam. Đã có rất nhiều chương trình và dự án về hiệu suất năng lượng công nghiệp được Bộ Công Thương thực hiện trong một thời gian dài, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhiều tổ chức quốc tế như: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngân hàng thế giới (WB), Chính phủ Đan Mạch…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Đồng thời, cũng có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, TKNL là một trong các biện pháp để doanh nghiệp giữ được chi phí sản xuất thấp và tồn tại được trong môi trường cạnh tranh toàn cầu là áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất kinh doanh. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trong thời gian vừa qua đã có hiệu quả rất lớn, giúp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP 3), Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam phát động Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương - Đại diện Ban tổ chức Giải thưởng cho biết “Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa đất nước”.
Theo đại diện Ban tổ chức, thời gian nhận hồ sơ tham gia giải thưởng đến hết ngày 31/10/2021. Bộ Công Thương sẽ tổ chức công bố và trao giải vào cuối năm 2021.
Thông tin chi tiết hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ tham gia giải thưởng vui lòng xem
tại đây.
GIẢI THƯỞNG HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG TRONG CÔNG NGHIỆP NĂM 2021
Mục đích
- Thúc đẩy, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sản suất kinh doanh, thân thiện môi trường và phát triển bền vững;
- Quảng bá thương hiệu các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước;
- Tuyên truyền, phổ biến các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã áp dụng thành công trong cả nước.
Đối tượng tham gia
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam
Điều kiện tham gia
Các doanh nghiệp tham gia giải thưởng phải đạt được các điều kiện như sau:
- Mức tiêu thụ năng lượng từ 500 TOE/năm trở lên (tương đương với 3.000.000 kWh điện/năm);
- Đã thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường trong khoảng thời gian từ 2016 - 2020.
Quyền lợi
Các doanh nghiệp đạt giải sẽ được nhận: Giấy chứng nhận Giải thưởng của Ban tổ chức; Cúp lưu niệm giải thưởng;
Ngoài ra, các doanh nghiệp đạt giải sẽ được:
- Tạo cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu tại các diễn đàn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương tổ chức.
- Sử dụng Logo giải thưởng trong các hoạt động kinh doanh của mình.
- Hướng dẫn lập hồ sơ tham dự Giải thưởng Hiệu quả năng lượng ASEAN.
- Có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng
Giải thưởng
- Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải 3, 05 giải khuyến khích và 01 Giải thưởng đặc biệt của HĐGK giành cho Doanh nghiệp có giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, áp dụng công nghệ mới.
- Hiện vật: Các doanh nghiệp đạt giải sẽ nhận được Giấy chứng nhận Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp 2021 và Cúp lưu niệm
|
Mai Anh