Đảm bảo năng lượng cho phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19
Tham dự tọa đàm có đông đảo các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế và quan tâm của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thách thức trong tình hình mới
Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhiều thách thức mới đặt ra để đảm bảo sự phục hồi nhanh chóng và ổn định. Ngành năng lượng, với vai trò là một trong những lĩnh vực trọng yếu, cũng có những yêu cầu mới về cung ứng điện cho sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội nhưng vẫn hài hòa với các lợi ích về môi trường và các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Chính Phủ, Bộ Công Thương nói chung, Ngành điện nói riêng cần có sự chuẩn bị trước để đảm bảo cung ứng đủ năng lượng cho mục tiêu phấn đấu tăng trưởng trong thời gian tới.
Nhu cầu năng lượng trong nước thời gian qua không ngừng tăng với tốc độ cao. Gai đoạn 2010-2019, nhu cầu năng lượng sơ cấp tăng khoảng 6%/năm, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 10,9% trong giai đoạn 2010-2015, và 10,1% trong giai đoạn 2016-2019. Dưới sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực của ngành năng lượng và hỗ trợ của các cấp, ngành, trong thời gian qua về cơ bản nhu cầu năng lượng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân vẫn được đáp ứng; đóng góp cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ về các thách thức và kế hoạch đảm bảo nguồn cung năng lượng trong bối cảnh mới. Ảnh: VNEEP.
Tuy nhiên, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện năng trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục tăng cao, với khoảng 8,5%/năm. Minh chứng cho điều này, Phó Tổng giám đốc EVN, ông Võ Quang Lâm cho biết, bảy tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tiêu thụ điện vẫn ở mức cao và chỉ giảm từ khi dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng điện toàn hệ thống đạt 213 tỷ kWh, tăng trưởng 3,3% so với năm 2020, thấp hơn 5,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Riêng khu vực miền Bắc nhu cầu điện vẫn rất cao ngay cả trong tháng 8/2021. Công suất cực đại đỉnh ngày 6/8 đạt 21.782 MW, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020.
“Tổng công suất đặt hệ thống điện miền Bắc tương đương 28.500 MW. Dự báo công suất đỉnh phụ tải miền Bắc năm 2022 có thể đạt từ 23.927 MW - 24.721 MW, tăng thêm 2.076-2.870 MW so với năm 2020. Đây cũng là khu vực tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng”, ông Lâm cho biết.
Sẵn sàng các kế hoạch tăng trưởng
Ông Võ Quang Lâm khẳng định, về cơ bản hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện đến năm 2022. EVN đã xây dựng và sẵn sàng cho các kế hoạch tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng dự báo khoảng 8,2% tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh. Kịch bản thứ hai dự báo tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện đạt 286,1 tỷ kWh.
Để đảm bảo cho nhu cầu này, EVN đã xây dựng giải pháp tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất vào cuối năm, nhất là các hồ khu vực miền Bắc, điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô 2022 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện. Đồng thời, huy động tối ưu các nguồn phát điện tại miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải từ miền Trung ra.
Bên cạnh đó, Tập đoàn phối hợp với các nhà máy thủy điện nhỏ để điều chỉnh khung giờ cao điểm vào các giờ phù hợp với nhu cầu phụ tải, giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm miền Bắc. Ngoài ra, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương trong việc cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước. Tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết các nhà máy điện nhằm nâng cao hiệu quả của các tổ máy. Bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 năm 2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.
Một số giải pháp bổ sung nguồn cung ứng đang được EVN nghiên cứu triển khai trong trường hợp cần thiết bao gồm: thiết lập các hệ thống lưu trữ điện - BESS; tăng cường nhập khẩu điện và yêu cầu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm và doanh nghiệp khác có kế hoạch triển khai máy phát hỗ trợ. Để tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống, EVN đang đẩy nhanh tiến độ các đường dây truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc. Đồng thời tăng tốc, hoàn thành và đấu nối trước mùa lũ 2022 các nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chia sẻ về vai trò sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đối với an ninh năng lượng cho phục hồi kinh tế. Ảnh: VNEEP.
Đại diện đến từ Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV), cho hay tốc độ tăng trưởng năng lượng đang ở mức thấp trong hai năm qua, chỉ khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với các năm trước đây. Tuy nhiên, dự báo năm 2022 nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh trở lại cùng với đà phục hồi kinh tế. Ông Trịnh Quốc Vũ nhận định việc chuẩn bị những kế hoạch tăng trưởng tiêu thụ điện khác nhau, từ 8,5-12,4%, rất kịp thời.
Tiết kiệm điện là giải pháp tối ưu
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, bên cạnh việc tăng cường các nguồn cung năng lượng thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) được coi là một biện pháp hữu hiệu, thiết thực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần vào sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội. Đây cũng là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, sử dụng năng lượng TK&HQ đã trở thành quốc sách, được luật hóa và thể hiện mạnh mẽ trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị Quyết khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Tiếp đó, Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 được ban hành, với mục tiêu cả nước phấn đấu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ.
Quy định về sử dụng năng lượng TKHQ cũng được thể hiện trong các bộ luật: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Điện lực, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc tiếp tục Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Quyết định số 280/QĐ-TTg) cũng thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ đối với vấn đề này. Mục tiêu của Chương trình là tiết kiệm từ 8 -10% tổng năng lượng tiêu thụ theo kịch bản phát triển bình thường.
Tại diễn đàn, nhà báo Hoàng Tư Giang, Báo điện tử VietnamNet đặt ra câu hỏi về hệ số đàn hồi về điện năng. Để trả lời cho câu hỏi này, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết hệ số đàn hồi, tỷ lệ giữa tăng trưởng nhu cầu điện và mức tăng trưởng GDP, của Việt Nam luôn cao so với thế giới. Cụ thể, ông Vũ cho biết trước năm 2015, hệ số đàn hồi là 2 và giảm xuống 1,29 vào năm 2019. Nhưng vẫn cao hơn so với các nước phát triển là dưới 1. “Điều này cho thấy sử dụng năng lượng vẫn chưa thực sự hiệu quả”.
Để thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại diện Vụ TKNL & PTBV cho biết ba giải pháp nền tảng được đưa ra là lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế; lồng ghép mục tiêu sử dụng năng lượng TK&HQ trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đặc biệt, không nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng…
Ông Võ Quang Lâm khẳng định vai trò quan trọng của việc nâng cao các giải pháp truyền thông tiết kiệm điện tới mọi thành phần sử dụng điện năng trong nền kinh tế. Đặc biệt là khối doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. "Với khoảng gần 3000 cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm, tức là chưa tới 1% doanh nghiệp, nhưng tiêu thụ tới tới 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc và 50% tổng năng lượng tiêu thụ gồm điện, gas, dầu và các loại năng lượng khác.”
Các khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: VNEEP.
Ông Võ Quang Lâm cho rằng các cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm và các hộ gia đình là những nhóm đối tượng cần tăng cường tuyên truyền để thúc đẩy sử dụng năng lượng TKHQ. “Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm tiết giảm khoảng 2% điện năng tiêu thụ/năm thì tương đương giảm 1,4 tỷ kWh, khoảng 2.700 tỷ đồng. Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1,174 tỷ đồng. Tức là mỗi năm hai nhóm này có khả năng tiết kiệm tối thiểu 3.874 tỷ đồng.”
Chia sẻ về sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết trong thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động và chương trình thúc đẩy sử dụng năng lượng TKHQ trong khối doanh nghiệp công nghiệp. Điển hình trong đó là hỗ trợ các các cơ sở thực hiện kiểm toán năng lượng; hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật thực hiện các giải pháp, chuyển đổi công nghệ sử dụng năng lượng TKHQ; xây dựng các bộ công cụ và nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý trong việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ... Bên cạnh đó là triển khai nhiều chương trình tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân về ý thức và giải pháp tiết kiệm năng lượng như Giờ trái đất, Cuộc thi sáng tác logo và slogan về tiết kiệm điện, các giải thưởng về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - xây dựng, sản phẩm hiệu suất cao...
Trong giai đoạn tới, Bộ đang có kế hoạch phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện một số thí điểm về quỹ dành cho TKNL nhằm giải quyết điểm nghẽn về tài chính trong lĩnh vực này. Đây là một sáng kiến mới mà Bộ đang tích cực triển khai nhằm thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng TKHQ trong cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm nói riêng và khối doanh nghiệp nói chung. Từ đó đóng góp hiệu quả vào các mục tiêu sử dụng năng lượng TKHQ, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.
Giang Nguyễn