Hội thảo "ESCO, mô hình kinh doanh trong tương lai của Việt Nam - Bài học rút ra từ hoạt động, mô hình ESCO quốc tế và quốc gia" được Dự án Hỗ trợ ngành năng lượng Việt Nam - EU (EVEF) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM, ngày 22/10.
Hội thảo tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) tại Việt Nam và nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh khung chính sách phù hợp cho mô hình này trong tương lai. Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Ngoài ra, cơ chế chính sách hiện hành đã thúc đẩy hoạt động tiết kiệt năng lượng như: ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai... hoặc miễn giảm thuế nhập khẩu theo qui định đối với thiết bị, phụ tùng, linh kiện tiết kiệm năng lượng mà trong nước chưa sản xuất được.Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho biết, hoạt động tư vấn, dịch vụ năng lượng (ESCO) tại Việt Nam hiện nay có khoảng 220 tổ chức, doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ở lĩnh vực điện mặt trời, cung cấp năng lượng, cung cấp thiết bị...
Tuy nhiên, hoạt động ESCO chưa có đầy đủ khung pháp lí và qui định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh. Cùng với việc thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và triển khai dự án tiết kiệm năng lượng... là những rào cản đối với hoạt động ESCO
Liên quan đến hoạt động ESCO tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Kĩ thuật công ty cổ phần đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) cho rằng, đây là hình thức nhà đầu tư cung cấp toàn bộ giải pháp từ khâu tư vấn, thiết kế, thi công - lắp đặt, vận hành... cho đến vấn đề tài chính, quản lí dịch vụ cho hệ thống năng lượng tại cơ sở sản xuất kinh doanh của khách hàng; đồng thời, thu tiền dựa trên hiệu quả tiết kiệm năng lượng do hệ thống này mang lại.
"Hoạt động ESCO có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam do kinh tế phát triển có nhu cầu hơi - nhiệt - điện tăng. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam đã và đang quen với hoạt động ESCO, đảm bảo an toàn vận hành, không ô nhiễm môi trường...", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang chia sẻ thêm.
Ở góc độ địa phương, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, điều kiện để hình thành công ty ESCO là phải đảm bảo năng lực về tư vấn, thiết lập được mạng lưới hợp tác về tài chính và phải đảm bảo tài chính. Song song đó, công ty ESCO phải thiết lập mạng lưới cung cấp về công nghệ và giải pháp hiệu quả năng lượng.
Thống kê tại Việt Nam, những lĩnh vực đầu tư ESCO tiềm năng hiện nay có thể kể đến là cơ sở hạ tầng (chiếu sáng), trung tâm thương mại, khu công nghiệp/nhà máy, dịch vụ mua bán điện, năng lượng tái tạo... Còn tiềm năng tiết kiệm năng lượng cho đầu tư ESCO trong lĩnh vực công nghiệp là hơn 20%; xây dựng, tòa nhà, giao thông vận tải là 25-35%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ là 15-30%...
Tại hội thảo, nhiều chủ đề đã được đưa ra thảo luận như khung pháp lý hiện tại cho ESCO tại Việt Nam, đánh giá từ các chuyên gia pháp lý, và cơ chế tài chính trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng. Các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mô hình ESCO tại Việt Nam và trên thế giới, những bài học đúc rút từ các dự án ESCO thành công, cũng như kinh nghiệm vượt qua rào cản khi triển khai mô hình kinh doanh ESCO.
Kết thúc hội thảo, hơn 40 đại biểu đã thăm quan, học hỏi kinh nghiệm về các công nghệ hiệu quả năng lượng khác nhau được Nhà máy bia Heineken tại Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai theo mô hình ESCO với sự hợp tác của Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG).