Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu sử dụng điện, tối ưu hóa hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó, DR là chương trình trọng tâm với mục tiêu giảm ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, tương ứng giảm ít nhất 90 MW vào năm 2020, 300 MW vào năm 2025 và 600 MW vào năm 2030.
Chương trình DR sẽ góp phần giảm hoặc thay đổi nhu cầu và thói quen sử dụng của khách hàng sử dụng điện, giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện bị quá tải. Đối với ngành điện, DR sẽ giảm chi phí quản lý điều hành, nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong vận hành, giảm nhu cầu về vốn đầu tư hệ thông điện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Theo thiết kế của chương trình, có 03 mức độ thực hiện là DR phi thương mại, tự nguyện; DR theo cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp (nhận tiền khuyến khích dựa trên sản lượng/công suất tiết kiệm được) và DR theo cơ chế giá điện (được áp dụng biểu giá điện hai thành phần; biểu giá điện cực đại thời gian thực). Khách hàng tham gia chương trình nào, sẽ có cơ chế ưu đãi tương ứng.
Hiên nay, Tập đoàn Điện lực Viêt Nam (EVN) đang triển khai Chương trình DR phi thương mại và tự nguyện trên cơ sở lựa chọn những doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện từ một triệu kWh/năm trở lên và đã được trang bị thiết bị đo đếm và lưu trữ số liệu phù hợp với yêu cầu của chương trình. Các doanh nghiệm tự nguyện tham gia, chủ động quyết định quy mô, loại phụ tải để ngừng hoặc tiết giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm. Đến nay, EVN đã lập kế hoạch triển khai DR cho hơn 4.000 khách hàng mục tiêu, chủ yếu là các khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (tòa nhà thương mại).
Để tăng tính hấp dẫn của Chương trình DR, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý và công nghệ như: áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành lưới điện, sửa chữa điện nóng (hotline), bảo dưỡng trạm biến áp không cần cắt điện, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện và chất lượng dịch vụ điện cho những khách hàng ký kết tham gia Chương trình DR.
Theo số liệu của EVN, đã có hơn 60% khách hàng mục tiêu ký kết thỏa thuận tham gia Chương trình DR. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy sự tham gia của khách hàng được lựa chọn còn hạn chế. Dù đã ký kết thỏa thuận nhưng khi EVN thông báo thực hiện các sự kiện thuộc Chương trình DR thì một số khách hàng lại không nhiệt tình, trì hoãn thực hiện, thậm chí từ chối tham gia, với lý do phải thay đổi phương thức hoặc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh v.v...
EVN đang triển khai Chương trình DR ở mức độ phi thương mại, khách hàng sử dụng điện tự nguyện tham gia, nhưng theo nhận định và phân tích của các chuyên gia tại các diễn đàn và hội thảo chuyên đề về DR do Bộ Công Thương và EVN tổ chức trong thời gian qua, nếu chưa có một cơ chế, chính sách đầy đủ, đặc biệt là cơ chế tài chính và biểu giá điện cụ thể thì sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu đã đề ra của chương trình; chỉ khi một hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh được thiết lập, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan là đơn vị sử dụng và cung cấp điện năng thì thị trường DR tại Việt Nam mới phát triển được, khách hàng sẽ tự nguyện tham gia DR khi quyền lợi được gắn với trách nhiệm.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cơ chế giá điện áp dụng vào giờ cao điểm của hệ thống điện cần được ưu tiên nghiên cứu và áp dụng khi thực hiện DR, theo đó, biểu giá điện hai thành phần (giá điện năng và giá công suất) và biểu giá công suất cực đại thời gian thực là công cụ tài chính hiệu quả để khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen sử dụng điện, chủ động thay đổi nhu cầu sử dụng điện hoặc tiết giảm nhu cầu sử dụng điện trong các giờ cao điểm của hệ thống điện, đảm bảo sự thành công của Chương trình DR.
Như vậy, giai đoạn trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, ưu tiên sửa đổi và ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tài chính, chi phí thực hiện Chương trình DR (bao gồm cả chi phí khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng điện tham gia Chương trình DR), đặc biệt là các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị cung cấp điện năng bao gồm phát điện, truyền tải hoặc phân phối điện năng khi triển khai Chương trình DR. Về dài hạn, Bộ Công Thương cần sớm có kế hoạch nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định trong Luật Điện lực, bao gồm hoạt động về Quản lý nhu cầu và Điều chỉnh phụ tải điện năng.
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện ở Việt Nam vẫn ở mức hơn hai con số và còn tiếp tục duy trì trong những năm tới, việc đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện sẽ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng cung cầu điện năng và nguy cơ gây thiếu điện. Chương trình điều chỉnh phủ tải với mục tiêu giảm ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 là giải pháp được kỳ vọng, góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế./.
Nguyễn Hiệp
Hội KHCN Sử dụng năng lượng TK&HQ Việt Nam - VECEA