Duy trì đà sản xuất
Đối với lĩnh vực điện, tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 77.982 MW, tăng 1,11 lần so với năm 2020. Năm 2021 đã đưa vào vận hành 5 dự án thuỷ điện tổng công suất 470 MW, 3 dự án nhiệt điện than tổng công suất 3840 MW. Tính đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2021, đã có 16.420 MW điện mặt trời (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà), hơn 4.120 MW điện gió, 382,1 MW điện sinh khối, 9,43 MW điện chất thải rắn.
Trong công tác cung cấp điện, ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Năm 2021, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cả năm ước đạt gần 255,37 tỷ kWh, tăng 3,34% so với năm 2020.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Việc thực hiện kịp thời chủ trương giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là sự nỗ lực của Bộ Công Thương, góp phần chung tay cùng với cả nước phòng, chống dịch bệnh; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, góp phần giảm bớt khó khăn với người dân, duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh để sớm vượt qua khó khăn và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Trong lĩnh vực Dầu khí, tổng sản lượng khai thác quy dầu khí quy đổi ước thực hiện cả năm 2021 đạt 18,43 triệu tấn, bằng 94,6% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm 19,48 triệu tấn), trong đó: Sản lượng khai thác dầu thô cả năm đạt 10,97 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm 9,72 triệu tấn) về đích sớm trước kế hoạch 4 ngày; sản lượng khai thác khí đạt 7,46 tỷ m3, bằng 76,4% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm 9,76 tỷ m3). Với việc tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các giải pháp nâng cao thu hồi dầu, khai thác dầu khí đã đạt sản lượng tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép, tận dụng cơ hội thị trường trong giai đoạn giá dầu tăng đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước, với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Về đích sớm kế hoạch sản lượng khai thác dầu trong nước là nỗ lực rất lớn của toàn ngành trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và trong bối cảnh đầu tư phát triển các mỏ mới gặp nhiều khó khăn.
Năm 2021, Tập đoàn dầu khí Quốc gia (Petrovietnam) đã hoàn thành kế hoạch công tác tìm kiếm thăm dò với kết quả điển hình nhưư: phát hiện dầu khí mới tại giếng khoan Sói Vàng -1X Lô 16-1/15 (VSP); đưa mỏ Sư Tử Trắng pha 2A và các giàn BK-18A, giàn BK-19 vào khai thác. Trong lĩnh vực Công nghiệp Điện, Tổ máy số 1 Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 đã hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt và chạy thử nghiệm thu, chuẩn bị vận hành thương mại.
Bên cạnh điện và dầu khí, ngành than tiếp tục đảm bảo cung ứng đủ than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đóng góp cho ngân sách nhà nước và góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Sản xuất than thương phẩm trong nước năm 2021 của các đơn vị ngành than đạt 46,71 triệu tấn, vượt 5,74% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2021 là 44,17 triệu tấn), tăng 7,31% so với năm 202
Nhiều giải pháp đảm bảo năng lượng
Căn cứ các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Bộ Công Thương đã có những giải pháp, chỉ đạo cụ thể cho từng ngành năng lượng trọng yếu nhằm tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống.
Cụ thể, đối với ngành điện, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với mục tiêu, quy hoạch và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam; Tiếp tục triển khai các dự án BOT nhà máy nhiệt điện theo chỉ đạo của Chính phủ; Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vào vận hành trong năm 2022 như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1. Phát triển các dự án lưới điện truyền tải quan trọng để giải tỏa công suất của các nhà máy điện lớn đi vào vận hành trong năm 2022 và các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời phối hợp các Bộ, ngành liên quan cùng các địa phương tiếp tục triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo để thực hiện mục tiêu hầu hết các hộ được sử dụng điện.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho năm 2022; đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình phục vụ giải tỏa công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời).
Đối với ngành than, tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch ngành Than và các kế hoạch liên quan được duyệt; Phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình trong lĩnh vực Công nghiệp Than thực hiện: tăng cường áp dụng công nghệ mới trong các khâu sản xuất than; triển khai thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ được duyệt, tiết giảm chi phí ở mức hợp lý.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành, các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh theo tinh thần Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.
Chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, hiệu qủa đầu tư, an toàn lao động…
Trong lĩnh vực Dầu khí, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất để hoàn thiện khung pháp lý đối với ngành dầu khí, bao gồm: Nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí và các văn bản pháp lý có liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và phù hợp với tình hình mới của ngành dầu khí; Triển khai các chiến lược, quy hoạch, đề án về năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045-2050 (trong đó có phân ngành Dầu khí).
Chỉ đạo, đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty tăng cường công tác sản xuất, khai thác hiệu quả, không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung các sản phẩm thiết yếu (dầu thô, khí tự nhiên, xăng dầu, phân bón...); nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập… cũng như công tác nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
Bộ sẽ chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các Bộ/ngành trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Petrovietnam, góp phần tăng cường sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên thực tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển Đông. Thường xuyên đôn đốc tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về dầu khí, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của các dự án.
Theo: Báo Công Thương