Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi, nhà chức trách cần sớm có cơ chế đấu thầu để chọn nhà đầu tư tốt nhất, tránh để phát triển ồ ạt như vừa qua.
Tại hội thảo cơ chế, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững, ngày 17/6, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi đánh giá, ba yếu tố ảnh hưởng quyết định một dự án năng lượng, gồm vốn, cơ chế chính sách và chỉ đạo từ trung ương tới địa phương, các nhà đầu tư, nhà thầu.
Với năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), chính sách giá FIT với giá mua điện 8,38-9,35 cent một kWh, theo ông Ngãi là hấp dẫn, đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Đến cuối 2021, công suất điện mặt trời, điện gió gần 21.000 MW, chiếm khoảng 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện.
"Các nhà đầu tư thấy giá cao ồ ạt xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời và mặt trời áp mái, bổ sung công suất cho hệ thống điện Việt Nam khoảng 27%", Chủ tịch VEA nhận xét.
Nhấn mạnh năng lượng tái tạo tới đây vẫn là chìa khoá chuyển đổi năng lượng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 vào 2050, ông Ngãi nói, cần phát triển có chọn lọc hơn loại năng lượng này. Một trong số giải pháp Chủ tịch VEA đề cập là, nhà chức trách cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu để chọn nhà đầu tư và "tránh năng lượng tái tạo phát triển ồ ạt như vừa qua".
Việc sẽ không tiếp tục giá ưu đãi FIT sau khi các cơ chế, chính sách khuyến khích của Chính phủ hết hiệu lực và sẽ chuyển sang đấu thầu giá cũng được lãnh đạo Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhiều lần đề cập trước đây.
"Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước về giá với năng lượng tái tạo chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT với các dự án năng lượng tái tạo đến nay không còn phù hợp nữa", ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo, nói tại họp báo Bộ Công Thương chiều 16/6.
Hiện dự thảo Thông tư về khung giá, cơ chế đấu thầu cho các dự án năng lượng tái tạo vẫn đang được Bộ Công Thương xây dựng, lấy ý kiến.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có ưu điểm là tính cạnh tranh cao, nhưng theo các chuyên gia, điểm khó khăn là cách thức tổ chức. Bởi nếu không có quy trình, quy định cụ thể, có thể gây ra hệ luỵ sau này.
Về mặt pháp lý, các quy định đã có trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, song việc tổ chức, xây dựng quy trình, quy định cho đấu thầu trong năng lượng tái tạo có những khó khăn nhất định. Các quy hoạch đất đai và quy hoạch điện cần phải làm đồng bộ, sửa đổi cho phù hợp.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, cũng từng bình luận, địa phương cần tham gia, đồng hành trong quá trình đấu thầu chọn nhà đầu tư. Bộ Công Thương có thể đưa ra yêu cầu, kế hoạch đấu thầu mua điện, để các tỉnh chuẩn bị và hàng năm có thể công bố kết quả. Bước tiếp theo là công việc của các nhà đầu tư, tỉnh thành phố sẽ chuẩn bị hồ sơ đấu thầu.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng quan tâm tới tính bền vững, ổn định chính sách chứ không phải sự thay đổi cơ chế liên tục. Vì thế, sự ổn định của chính sách sẽ đảm bảo bền vững, tính toán suất đầu tư và khi đó định giá không còn là yếu tố quan trọng nhất.
Một vấn đề khác được các chuyên gia băn khoăn là việc huy động lượng vốn lớn cho đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng tới đây.
Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII đang trình Chính phủ, theo phương án điều hành cao hướng tới chuyển đổi năng lượng, tổng vốn đầu tư 2021-2030 khoảng 165,7 tỷ USD, trong đó nguồn điện là 131,2 tỷ USD, còn lưới điện khoảng 34,5 tỷ USD. Con số này gấp rưỡi tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ở góc độ nhà kinh tế năng lượng, PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia thuộc Hội đồng khoa học VEA nhận xét, lượng vốn như vậy là rất lớn. "Quy hoạch điện VII điều chỉnh không thực hiện được dù vốn ít hơn, thì nếu lượng vốn đầu tư theo dự thảo quy hoạch điện VIII lớn như vậy, sẽ không khả thi", ông Duệ nói.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, việc quản lý các dự án trong quy hoạch cần rất chặt chẽ về chất lượng, chi phí và nhất là tiến độ dự án, vì nếu chậm ngày nào sẽ kéo theo chi phí tăng lên.
Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Anh Tú, Phó ban Kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2011-2020 của EVN là hơn 22.000 tỷ đồng, bình quân 5 tỷ USD một năm. Tập đoàn này đảm bảo thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch 5 năm, nhưng việc huy động vốn để đầu tư của EVN cũng gặp khó khăn nhất định.
Theo dự thảo quy hoạch VIII, bình quân mỗi năm cần đầu tư 3,45 tỷ USD vào lưới truyền tải điện, trong khi đó thực tế giai đoạn 2011-2020 mỗi năm EVN thu xếp được khoảng 1 tỷ USD.
Như vậy, ông Tú cho rằng rất cần cơ chế cụ thể, rõ ràng hơn về xã hội hoá đầu tư, khuyến khích tư nhân đầu tư vào truyền tải điện. Luật Điện lực sửa đổi, bổ sung một số điều đã cho phép tư nhân tham gia đầu tư truyền tải, nhưng đã gần nửa năm vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết từ cơ quan quản lý, nhất là về giá truyền tải, quản lý chi phí đầu tư, quản lý Nhà nước trong kiểm soát, đảm bảo an ninh lưới truyền tải khi cho tư nhân đầu tư.
Theo Anh Minh - Vnexpess