Tin tức

VEPG thăm mô hình sản xuất hơi, điện và sấy hèm bia hiệu quả năng lượng của Heineken Việt Nam

 

Đoàn công tác Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đến thăm quan thực tế Dự án đầu tư sản xuất hơi - điện và sấy hèm cho Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khuôn khổ "Buổi họp lần thứ nhất giai đoạn II của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam - VEPG", đoàn công tác VEPG đã đến thăm quan, làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương và nghe giới thiệu về Dự án đầu tư sản xuất hơi - điện và sấy hèm cho Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A ,  Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đây là một trong những đơn vị đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam” của Bộ Công Thương và UNIDO. Giai đoạn II của dự án sẽ được tiếp tục trong năm 2022 với tổng kinh phí 65 triệu USD. 

Đoàn công tác VEPG thăm khu sản xuất hơi - điện tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Theo chia sẻ, dự án giúp giảm 2/3 chi phí hơi cho Nhà máy bia Heineken, đồng thời sử dụng năng lượng từ lò đốt biomass thay vì điện năng.

Năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Công ty Cổ phần đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương (công ty Đông Dương) đã hoàn thiện giai đoạn một của dự án đầu tư sản xuất hơi - điện và sấy hèm cho Nhà máy bia Heineken Việt Nam. Theo ông Nguyễn Trung Quốc, Phó Giám đốc công ty, trong giai đoạn một doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt hệ thống lò hơi CS 75 tấn/giờ và hai hệ thống sấy bã hèm bia cùng các hạng mục xây dựng cơ bản khác. 

Giai đoạn 2 của dự án, Công ty đầu tư lắp đặt hệ thống lò hơi cao áp công suất 45 tấn/giờ. “Hai hệ thống được vận hành với một hệ chính và một hệ phụ trong trường hợp hệ chính tạm dừng để duy tu bảo dưỡng. Như vậy đảm bảo liên tục có máy hoạt động hết công suất, không nghỉ để tận dụng tối đa hiệu quả lò hơi”, ông Quốc cho biết.  

Bên cạnh đó, từ giai đoạn 2, doanh nghiệp cũng lắp đặt hệ thống thu hồi khí CO2 công suất 80 tấn và mở rộng hệ thống sấy bã hèm bia đôi số 3. Theo chia sẻ của ông Quốc, ngay từ khâu thiết kế ban đầu, doanh nghiệp đã xác định sử dụng các công nghệ hiện đại nhằm tối đa hoá khả năng vận hành, tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Qua quá trình tìm hiểu, đồng thời được tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia đến từ dự án nồi hơi hiệu quả năng lượng của Bộ Công Thương, công ty đã chọn đầu tư công nghệ lò hơi CS hiện đại công suất 75 tấn/giờ, kết hợp công nghệ hóa khí biomass phát điện và thực hiện thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng từ khói lò hơi. 

Hệ thống thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng từ khói lò hơi.   

Ưu điểm của giải pháp kỹ thuật này là vận hành khép kín hoàn toàn. Hệ thống lò hơi được thiết kế để đảm bảo nhiệt độ đốt trong lò cao, duy trì ở mức từ 3.00 - 3.600 KJ/kg, nhưng phát nhiệt không đánh kể ra môi trường. Nhiên liệu sử dụng đốt là phế phụ phẩm nông nghiệp gồm dăm gỗ cao su, gỗ tràm, trấu, mùn cưa… “Công nghệ không chỉ giải quyết được bài toán vận hành công suất cao, ổn định, tiết kiệm năng lượng mà còn giải quyết các rác thải của các quá trình sản xuất”, ông Nguyễn Trung Quốc chia sẻ. 

Dự án đạt tiêu chuẩn châu Âu về thiết kế, sản xuất các thiết bị áp lực theo chỉ thị PED 2014/68/EU của Nghị viện châu Âu và tiêu chuẩn ATEX về kiểm soát và làm việc trong môi trường cháy nổ. 

Được biết, Công ty đang lắp đặt hệ thống thu hồi khí CO2 từ khói lò hơi công suất 80 tấn/giờ, dự kiến tháng 5/2022 hoàn thành. Sản phẩm khí thu hồi đã được ký hợp đồng bao mua để phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy trong và ngoài khu công nghiệp. Ngoài ra, hèm bia sấy tạo sản phẩm là chất độn giàu dinh dưỡng, được các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc bao tiêu. Với nhu cầu hèm bia sấy cao, năm 2021 Công ty Đông Dương đã đầu tư mở rộng thêm một máy sấy hèm bia đôi thu mua 100% hèm bia của Nhà máy Heineken bên cạnh. 

Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đông Dương, chia sẻ về các dự án công nghiệp - môi trường đã và đang thực hiện.  

Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đông Dương cho biết thêm trước khi sử dụng công nghệ của doanh nghiệp, Nhà máy bia Heineken Vũng Tàu sử dụng lò hơi đốt dầu FO với chi phí hơn 2 triệu đồng/tấn. Nay Công ty Đông Dương bán lại hơi sản xuất 100% từ công nghệ hóa khí biomass với chi phí chỉ khoảng 600 ngàn đồng/tấn, chi phí chỉ bằng ⅓. 

Đặc biệt hoạt động sản xuất của doanh nghiệp hoàn toàn sử dụng các nguyên liệu là phế phụ phẩm sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Công nghệ nồi hơi hiện đại, được các chuyên gia của Bộ Công Thương và UNIDO tư vấn tối ưu hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, thu hồi và sản xuất khí hoá lỏng từ chính lò hơi nên hầu như không tạo thêm phát thải ra môi trường. 

“Về mặt kỹ thuật, chúng tôi có thể đảm bảo các công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Về mặt kinh tế, như đã thấy, công nghệ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí sản xuất và đem lại lợi nhuận cho các bên. Đây cũng là lý do Đông Dương đã được khách hàng lớn như Heineken lựa chọn là đối tác lâu năm”, ông Quang khẳng định.

Đoàn công tác VPEG.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ phó Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao những kết quả mà dự án đạt được, đặc biệt là hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường. “Chúng tôi đánh giá rất cao các sáng kiến của doanh nghiệp trong đầu tư công nghệ tuần hoàn khép kín, không chỉ đạt hiệu quả cao về mặt năng lượng mà còn chứng minh được tiềm năng to lớn của biomass trong cuộc sống”, ông Vũ cho biết. 

Trưởng đoàn công tác cũng chia sẻ sắp tới Vụ TKNL&PTBV được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ tiếp tục phối hợp với UNIDO triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án nâng cao hiệu quả nồi hơi công nghiệp tiết kiệm năng lượng, với kinh phí 65 triệu USD. 

Bên cạnh đó, đơn vị đang triển khai Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp để thực hiện hoạt động hiệu quả năng lượng. Quỹ chia sẻ rủi ro RSF thuộc khuôn khổ Dự án có tổng giá trị bảo lãnh cho vay lên tới 75 triệu USD. Ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định đây là cơ hội để các bên cùng tiếp tục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng trong nhiều ngành và lĩnh vực sản xuất. 

An Nhiên

Để có thể bình luận, xin vui lòng đăng nhập

Thông báo nhận hồ sơ các Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

04/10/2024

Ban tổ chức thông báo nhận hồ sơ Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, công trình xây dựng và Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024 đến hết ngày 15/11/2024.

ENTECH 2024, Hanoi-Vietnam

14/05/2024

HỘI TRỢ TRIỂN LÃM QUỐC TẾ CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG - MÔI TRƯỜNG 2024

Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam

28/10/2023

Sáng ngày 26/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy thị trưởng đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

RA MẮT THÍ ĐIỂM CÂU LẠC BỘ HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG VÀ BẢO VỆ KHÍ HẬU

22/10/2023

Ngày 17 và 19/10 vừa qua, Lễ ra mắt Thí điểm Câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng và Bảo vệ Khí hậu đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên.

Sốt ruột chờ thị trường điện cạnh tranh

15/10/2023

Phải sớm có cơ chế giải quyết vấn đề bù chéo giá điện, đưa ra được giá thị trường điện, cho phép mua bán điện trực tiếp, bổ sung các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo…

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

14/10/2023

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ - RINH VỀ NHỮNG PHẦN QUÀ HẤP DẪN