Tiền điện tăng… do sử dụng nhiều
Nhận được tin nhắn thông báo về số tiền điện phải trả trong kỳ tiền điện tháng 7/2021, chị Lê Hồng Ngọc ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP. Hồ Chí Minh rất bất ngờ khi thấy tiền điện tăng cao hơn so với tháng trước. Trước đây, gia đình chị sử dụng chỉ hết từ 900 ngàn - 1 triệu tiền điện/tháng nhưng tháng 8 này ngành điện thông báo gia đình chị hết hơn 1,7 triệu. Theo chị Hồng Ngọc, trước đây do gia đình đi làm, đi học cả ngày, chỉ tập trung vào buổi tối nên có thể sử dụng điện ít hơn. Bây giờ cả gia đình 4 người ở nhà do thực hiện giãn cách xã hội, sử dụng điện nhiều để làm việc từ xa, các cháu nhỏ sử dụng các thiết bị giải trí, buổi trưa thì sử dụng máy lạnh nên tiền điện có tăng cao hơn cũng hợp lý.
Nhận viên ngành điện TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng (app) EVNHCMC CSKH trên thiết bị di động, để theo dõi và tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày |
Đồng tình với ý kiến của chị Hồng Ngọc, chị Nguyễn Thu Việt, hàng xóm, cũng nhìn nhận, trong tháng 8 này, tất cả các gia đình ở TP. Hồ Chí Minh điều ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội, nên việc tiêu thụ điện tăng hơn bình thường là đương nhiên. “Gia đình tôi có 4 người, bình thường ban ngày không có ai ở nhà, nhưng nay thực hiện giãn cách, cả 3 người lớn đều ở nhà làm việc từ xa. Điện sẽ phải sử dụng cả ngày để phục vụ công tác và sinh hoạt, nấu nướng, nên chi phí tiền điện tăng cao hơn là bình thường”- chị Thu Việt chia sẻ.
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), tỷ trọng điện dùng cho sinh hoạt tháng 7/2021 chiếm 51,56% so với các thành phần khác (công nghiệp, dịch vụ, nông lâm hải sản…) tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng điện thương phẩm của khối này tăng hơn 11,19% so với cùng kỳ tháng 7/2020.
Lý giải điều này, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC - phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do từ đầu tháng 7 đến nay, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, người dân hầu hết ở nhà cả ngày, nên sử dụng các thiết bị điện để phục vụ làm việc, giải trí, sinh hoạt, làm mát nhiều hơn.
“Các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng như máy lạnh, bếp điện được sử dụng nhiều lần hơn, thời gian sử dụng dài hơn bình thường. Đặc biệt, máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình” - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC nhấn mạnh.
Sử dụng điện tiết kiệm để… tiết kiệm tiền
Để chủ động kiểm soát lượng điện năng tiêu thụ cũng như chi phí tiền điện của hộ gia đình không tăng quá mức, EVNHCMC đề nghị người dân, khách hàng hết sức quan tâm sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm. Đặc biệt, tránh sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.
Ngành điện TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị, khách hàng cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Hãy “Tắt thiết bị điện khi không sử dụng”. Nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà.
Bên cạnh đó, ngành điện lưu ý, khách hàng nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết mát mẻ. Nếu phải bật máy lạnh thì có thể sử dụng cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng. Không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điểm. Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên để không chỉ tiết kiệm điện mà còn rất có ý nghĩa phòng dịch Covid-19 hiện nay.
Song song đó, khách hàng sử dụng điện tại TP. Hồ Chí Minh có thể tải ứng dụng “EVNHCMC CSKH” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android) về thiết bị di động để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày, để biết rõ lượng điện tiêu thụ của mình và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện.