Chương trình đào tạo trực tuyến Đội quản lý Hiệu quả Năng lượng (DSEEG) cấp khu vực do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BZ) hỗ trợ đã được GIZ triển khai từ ngày 11 tháng 09 đến ngày 25 tháng 11 năm 2020 tại bốn quốc gia Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Việt Nam thuộc mạng lưới TUEWAS*.
Chương trình được tổ chức nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn với chất lượng quốc tế, tạo ra môi trường hợp tác hiệu quả tại nơi làm việc, từ đó khuyến khích các thành viên trong doanh nghiệp xác định những biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả về mặt chi phí cho chính doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn nhận được hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thiện bản Kế hoạch Hành động về Hiệu quả Năng lượng cho doanh nghiệp (FEEAP), hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Chương trình DSEEG đã thành công trong việc cung cấp cho doanh nghiệp những tư vấn kỹ thuật về hiệu suất và tiết kiệm năng lượng. Mỗi công ty đã thành lập một DSEEG để được tư vấn trực tuyến cũng như tập huấn tại chỗ nhằm đánh giá mức tiêu thụ năng lượng hiện tại cũng như nhận dạng các tiềm năng tiết kiệm năng lượng.
Ba công ty tham gia chương trình DSEEG tại Việt Nam có quy mô khác nhau, dao động từ 90 đến 1700 nhân viên. Kiều Minh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các dụng cụ thể thao, Hạnh Mỹ sản xuất các loại đồ chơi, trong khi Hoa Lan chuyên sản xuất bao bì và hoá mỹ phẩm. Thông qua chương trình, mỗi DSEEG tại các doanh nghiệp đã lập được bản FEEAP với các biện pháp từ chuyển đổi sang đèn LED, cách nhiệt cho máy móc, cho đến tự động hóa hệ thống làm mát và lò hơi. Đặc biệt, một số biện pháp đã được đề ra để cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên như cải tạo kho chứa phế liệu để tránh bụi từ tro xỉ than. Những biện pháp này sẽ giúp các công ty tiết kiệm ít nhất 1,2 MWh năng lượng mỗi năm với thời gian hoàn vốn trung bình chỉ hơn nửa năm.
Đánh giá chung cho thấy các doanh nghiệp ở bốn quốc gia đều dành sự quan tâm lớn đến việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 đang đặt ra cho họ nhiều thách thức. Đa phần các biện pháp hiệu quả năng lượng tập trung ở hệ thống nhiệt/lạnh, khí nén và hệ thống chiếu sáng với thời gian hoàn vốn trung bình trong một năm. Các biện pháp này có thể giúp tiết kiệm 5.366 MWh năng lượng mỗi năm, tương đương với việc tiết kiệm 327.107 đô-la và giảm phát thải 8.026 tấn CO2 mỗi năm. Ban lãnh đạo của tất cả các doanh nghiệp đều cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các biện pháp đề xuất trong bản FEEAP, qua đó cho thấy lĩnh vực hiệu quả năng lượng trong khu vực sẽ đạt được nhiều thành tựu trong tương lai.
* Mạng lưới nội bộ TUEWAS của GIZ là nền tảng hợp tác chuyên nghiệp tại khu vực trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, năng lượng và nước ở châu Á. Nhóm Công tác về Hiệu quả Năng lượng TUEWAS là một diễn đàn để trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau về cải thiện hiệu quả năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp thông qua các can thiệp kỹ thuật có mục tiêu cũng như xây dựng và thực hiện các công cụ chính sách để thể chế hóa hiệu quả năng lượng.