Tòa nhà trụ sở của Liên Hợp Quốc (LHQ) có tên gọi Ngôi nhà Xanh |
Xu hướng tất yếu
Công trình xanh - công trình tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, giảm thải ra môi trường, đặc biệt đề cao chất lượng sống cho người sử dụng là xu hướng phổ biến trong tương lai. Tại Việt Nam, các công trình nhà ở, văn phòng, xí nghiệp, khách sạn… tiết kiệm năng lượng ngày một hiện diện nhiều hơn và được nhận định là xu hướng tất yếu.
Tòa nhà đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ Công trình Xanh hạng Vàng của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (chứng chỉ LOTUS) là tòa nhà trụ sở của Liên Hợp Quốc (LHQ) có tên gọi Ngôi nhà Xanh (đường Kim Mã, Hà Nội) được khánh thành ngày 23/5/2015.
Với mục đích giảm thiểu tác động tới môi trường, hệ thống điều hòa của Ngôi nhà Xanh được thiết kế nhằm phát huy tối đa hiệu quả sưởi ấm và làm mát. Ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa, giúp giảm ít nhất 25% lượng điện tiêu thụ so với các công trình xây dựng truyền thống. Mức tiêu thụ nước dự kiến cũng giảm 36%, giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon. Những tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà dự kiến đáp ứng được 10% nhu cầu điện năng tiêu thụ hàng năm của tòa nhà.
Tổng giám đốc Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam Trần Văn Thanh cho rằng Ngôi nhà Xanh LHQ sẽ giúp thiết lập một tiêu chuẩn môi trường mới cho ngành công nghiệp xây dựng ở Việt Nam và hy vọng những công trình xây dựng khác sẽ học tập và tiếp tục làm theo mô hình thân thiện với môi trường này.
Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, tính đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 200 tòa nhà xanh trên khắp cả nước.
Tòa nhà Capital Place |
Bên cạnh tiêu chuẩn LOTUS (hệ thống tiêu chí công trình xanh cho thị trường xây dựng Việt Nam) của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, thị trường Việt Nam còn có một số hệ thống chứng nhận Green Mark (Hệ thống chứng nhận công trình xanh của Singapore, chủ yếu phù hợp với thị trường xây dựng tại các nước phát triển); EDGE (Hệ thống chứng nhận tập trung vào các tiêu chí năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa của vật liệu, phù hợp với các dự án có mục tiêu tối thiểu hóa mức tiêu thụ tài nguyên); LEED (Hệ thống chứng nhận công trình xanh toàn diện, được phát triển tại Mỹ và phù hợp cho các dự án hướng tới nhận diện thương hiệu quốc tế)… giúp đánh giá hiệu năng công trình về mặt sử dụng năng lượng, khí thải, thiết kế, độ an toàn và môi trường làm việc.
Điển hình theo chuẩn công trình xanh EDGE là dự án căn hộ, khách sạn Dragon Fairy (Nha Trang, Khánh Hòa). Theo chia sẻ của chuyên gia công trình xanh Vũ Linh Quang đồng thời là kiến trúc sư tư vấn cho công trình này, khi đi vào vận hành, Dragon Fairy sẽ tiết kiệm 25,29% năng lượng, 31,26% nước so với thông thường.
Tại TP HCM, một số tòa nhà văn phòng đã được đánh giá chứng nhận LEED như: Deutsches Haus, Friendship Tower và President’s Place, Phú Mỹ Hưng Tower, Saigon Centre 2... Còn khu vực Hà Nội, ví dụ tiêu biểu chính là tòa nhà Techcombank Tower, Capital Place và Landcaster Luminaire...
Hay nhà máy Deutsche Bekleidungs Werke Limited (DBW) tại Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) được trang bị các tấm pin mặt trời và tầng mái xanh để bảo vệ năng lượng và cách điện. Công trình đã đạt chứng nhận quốc tế chuẩn Bạch kim theo tiêu chí của LEED đồng thời đạt chứng nhận của LOTUS...
Nhà máy Deutsche Bekleidungs Werke Limited (DBW) tại Khu công nghiệp Long Hậu |
Lợi ích từ công trình xanh
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, khoảng 40% tổng năng lượng tiêu thụ của một đô thị là năng lượng cung cấp cho các công trình xây dựng, trong đó các nhà cao tầng có chỉ số tiêu thụ năng lượng cao nhất. Những con số thống kê mức năng lượng tiêu thụ của Bộ Xây dựng cũng cho thấy mức tiêu hao năng lượng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam là cao so với các nước trên thế giới, nguyên nhân là do chưa thiết kế và xây dựng các công trình theo tiêu chí công trình xanh.
Trong khi đó, các dự án công trình xanh góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng do sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự nhiên, sử dụng các vật liệu không độc hại, ít phát thải nhằm tạo nên môi trường sống và làm việc tiện nghi và an toàn cho con người.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu môi trường và phát triển xanh đã đặt ra, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những tòa nhà có thể tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao và vững bền để giảm thiểu tác hại môi trường cũng như chi phí sửa chữa, sử dụng năng lượng trong tương lai.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012, đã xác định giải pháp đối với ngành xây dựng là xây dựng đô thị xanh, công trình xanh. Tiêu chí quan trọng của công trình xanh là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
CWK phân tích, mặc dù một số ý kiến cho rằng việc quan tâm tới môi trường nhiều hơn có thể gây ra hạn chế đối với tốc độ phát triển, nhưng việc xây dựng đô thị đúng hướng chính là một sự đánh đổi xứng đáng. Điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển, chủ sở hữu, người dân xây dựng chiến lược phát huy sức sáng tạo để tạo nên một đô thị đáng sống.
Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cũng cho rằng các giải pháp thiết kế công trình xanh không chỉ hiệu quả về năng lượng, mà còn đem lại lợi ích về sức khoẻ cho người sử dụng. Nhiều nghiên cứu thực tiễn chỉ ra rằng khi chất lượng không khí và thông gió được cải thiện, năng suất lao động của con người cũng được cải thiện.
Theo tính toán của chuyên gia, để xây dựng những tòa nhà, công trình tiết kiệm năng lượng, chi phí xây dựng có thể tăng từ 10-30% nhưng có thể mang đến mức tiết kiệm trên 20% chi phí năng lượng so với các công trình không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tuổi thọ của công trình rất dài.
TS. KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng) cho biết: Một công trình xanh đem lại nhiều lợi ích bền vững như giảm khoảng 30-35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30-50% lượng nước sử dụng và khoảng 30% chi phí bảo dưỡng công trình.
Như vậy, với các công trình áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí vận hành sau này. Đây là một con số không nhỏ, chẳng những mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn cho chủ đầu tư, chủ công trình, người sử dụng mà còn đóng góp đáng kể cho việc phát triển bền vững đô thị; giảm nhẹ tác động đến môi trường, gây ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu do các khí thải gây ra.
Theo CWK, ngay từ bây giờ, nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh gắn liền với giá trị dài hạn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội và môi trường.
(PetroTimes)