Tin tức

Thủy điện Trung Quốc với ĐBSCL: Câu chuyện hợp tác khó khăn...

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ,  nghiên cứu là cảnh báo cho tất cả các quốc gia khi cùng phát triển trên một dòng sông thì phải hợp tác, chia sẻ thông tin. 

Các nhà khoa học Hà Lan vừa đưa ra cảnh báo, các quốc gia dọc sông Mekong chỉ còn hạn chót đến năm 2050 để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn vùng đồng bằng.

Nghiên cứu vừa công bố của Viện Nghiên cứu độc lập Deltares (Hà Lan) đánh giá, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng trầm trọng là do việc xây dựng các đập ở thượng nguồn và khai thác cát ở hạ du, nhưng biến đổi khí hậu có thể sẽ là yếu tố chi phối vào năm 2050.

Hiện nay dòng chính sông Mekong đang gánh 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, 2 ở Lào và ít nhất 300 đập nhỏ trên các phụ lưu. Những đập này chia dòng sông thành những hồ chứa nước, chặn phù sa chảy ra biển và thay đổi hình dạng, độ sâu của lòng sông.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mekong ủng hộ nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan và đánh giá đây là cảnh báo cho tất cả các quốc gia khi cùng phát triển trên một dòng sông thì phải hợp tác, chia sẻ.

Ông Tứ cũng lưu ý, những vấn đề mà các nhà khoa học Hà Lan chỉ ra không mới. Người xưa có câu "Thượng điền tích nước, hạ điền khan", đó là quy luật. Trước đó cũng đã có nhiều nghiên cứu ở trong và ngoài nước về Mekong, tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn đối với các quốc gia ở hạ nguồn Mekong, nhất là ĐBSCL.

Đơn cử, năm ngoái, một nghiên cứu của Công ty Eyes on Earth Inc (Mỹ) được công bố cũng đã chỉ rõ các con đập của Trung Quốc tại sông Mekong đã giữ lại một lượng nước lớn trong giai đoạn hạn hán nghiêm trọng tại các nước hạ nguồn vào năm 2019.

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, ĐBSCL ở cuối nguồn sông Mekong, nhận đủ nước từ tất cả các lưu vực sông trong một thời gian dài. Trong quá trình phát triển, các quốc gia ở thượng nguồn dùng nhiều cách để tận dụng nguồn nước, trong đó phát triển mạnh nhất là Trung Quốc. Với lợi thế nước thượng nguồn khống chế chủ động 16% nước Mekong, Trung Quốc nhìn nhận Mekong như dòng sông riêng của họ. Trung Quốc phát triển thủy điện độc lập và luôn cho rằng các đập của Trung Quốc chỉ có lợi cho vùng hạ du và phủ nhận những tác động xấu đối với các nước ở hạ nguồn.

Vào mùa lũ, thượng nguồn giữ nhiều nước, còn hạ nguồn lũ giảm đi rất nhiều. ĐBSCL rất cần lũ, song lũ về ít, nhỏ làm cho sinh thái thay đổi. Đến mùa khô, hiện nay, theo số liệu đo đạc, lượng nước ở hạ nguồn tăng lên so với trung bình nhiều năm.

"Chuyện đáng lo là nếu thượng nguồn chuyển nước đi các lưu vực khác, chẳng hạn chuyển lên phía Bắc Trung Quốc thì lúc đó câu chuyện sẽ khác. Nhưng đây là các hệ thống thủy điện, họ buộc phải phát điện, mùa khô xả xuống, tùy theo mạng lưới điện cần thế nào mà lượng phát có thể lúc nhiều, lúc ít. Điều quan trọng là các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, phải hợp tác với nhau để bảo đảm tránh các xung đột trong quá trình sử dụng nước", ông Tứ nói.

Đề cập đến cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trên sông Mekong, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, hiện nay có hai cơ chế là Ủy ban sông Mekong (MRC) và Lan Thương - Mekong.

MRC gồm 4 nước thành viên là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam hợp tác với nhau để cùng cung cấp thông tin, dữ liệu. Trung Quốc không tham gia vào Ủy ban Mekong mà chỉ là bên đối thoại và chỉ hợp tác cấp số liệu mùa lũ, không hợp tác cung cấp số liệu mùa khô. Đầu năm 2020, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu về nước với MRC. Cơ chế Lan Thương-Mekong có sự tham gia của Trung Quốc, cam kết hợp tác với nhau để chia sẻ nguồn nước công bằng và hợp lý. Vị chuyên gia đánh giá, thực tế cho thấy việc cung cấp, chia sẻ thông tin mới chỉ mang tính chất tượng trưng.

Hiện nay có một công cụ giám sát khác là dự án Giám sát đập Mekong (Mekong Dam Monitor) của Mỹ sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi và công khai số liệu mực nước tại các đập Trung Quốc trên sông Mekong. Do vậy, bản thân Trung Quốc không cung cấp thì qua dữ liệu vệ tinh của Mỹ cũng biết được các đập thủy điện của Trung Quốc vận hành như thế nào và tác động đến hạ nguồn ra sao.

"Đấu tranh hợp tác là câu chuyện không bao giờ dừng và ở đây là đấu tranh hợp tác với tất cả các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, không riêng gì với Trung Quốc.  Hiện vấn đề Việt Nam quan tâm và đề nghị Trung Quốc thực hiện là cung cấp số liệu cả mùa lũ và mùa cạn.

Đối với đập thủy điện của Trung Quốc, tác động của nó đến nguồn nước là một chuyện, điều lo lắng hơn cả là phù sa. Hiện nay, khoảng 50-60% lượng phù sa bị phía thượng nguồn Trung Quốc giữ lại, đó là lý do vì sao phù sa về ĐBSCL  ngày càng hao hụt. Theo dự báo của MRC, đến năm 2040, chỉ còn 3-4% trong tổng lượng 160 triệu tấn phù sa về ĐBSCL khiến nước trong trong hơn", PGS.TS Đào Trọng Tứ chỉ rõ.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý, các quốc gia trong lưu vực sông Mekong có thể tích cực đề nghị Trung Quốc hợp tác, chia sẻ thông tin thông qua các cơ chế, song Trung Quốc có thực hiện hay không lại tùy thuộc vào quan hệ giữa các quốc gia.

Cho nên, PGS Tứ đặc biệt lưu tâm đến các công ước quốc tế về nguồn nước. Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng không thay đổi dòng chảy sông ngòi quốc tế 1997 đã có hiệu lực, trong đó Việt Nam là thành viên.

Dù Trung Quốc lại không tham gia nhưng Công ước này vẫn là cơ sở pháp lý quốc tế có hiệu lực. 

Trở lại với tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, có rất nhiều yếu  tố gây nên tình trạng này, trong đó đập thủy điện ở thượng nguồn là nguyên nhân chính. 

Một trong những vấn đề quan trọng của quy hoạch ĐBSCL chính là sống hài hòa với thiên nhiên (thuận thiên), tận dụng tất cả các nguồn nước mặn, lợ, ngọt, coi chúng là tài nguyên. Vì thế, trong quy hoạch hiện nay phân ra 3 vùng mặn, lợ, ngọt để chuyển đổi nông nghiệp, sử dụng các nguồn lợi đó cộng với hệ thống công trình sẵn có để con người vẫn tồn tại và phát triển trên các vùng đất ấy.

Thành Luân – báo Đất Việt

 

Để có thể bình luận, xin vui lòng đăng nhập

Thông báo nhận hồ sơ các Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

04/10/2024

Ban tổ chức thông báo nhận hồ sơ Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, công trình xây dựng và Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024 đến hết ngày 15/11/2024.

ENTECH 2024, Hanoi-Vietnam

14/05/2024

HỘI TRỢ TRIỂN LÃM QUỐC TẾ CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG - MÔI TRƯỜNG 2024

Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam

28/10/2023

Sáng ngày 26/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy thị trưởng đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

RA MẮT THÍ ĐIỂM CÂU LẠC BỘ HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG VÀ BẢO VỆ KHÍ HẬU

22/10/2023

Ngày 17 và 19/10 vừa qua, Lễ ra mắt Thí điểm Câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng và Bảo vệ Khí hậu đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên.

Sốt ruột chờ thị trường điện cạnh tranh

15/10/2023

Phải sớm có cơ chế giải quyết vấn đề bù chéo giá điện, đưa ra được giá thị trường điện, cho phép mua bán điện trực tiếp, bổ sung các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo…

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

14/10/2023

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ - RINH VỀ NHỮNG PHẦN QUÀ HẤP DẪN