Tin tức

Thực trạng kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Tóm tắt:

Để phát triển bền vững con người phải sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời phải nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới có tính chất tái tạo và thân thiện với môi trường. Và kiểm toán năng lượng (KTNL) là một công cụ trợ giúp quan trọng trong việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai nhiều năm nay, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin, chưa nhận thức thấy lợi ích của KTNL nên chưa mặn mà hưởng ứng.

Từ khóa: Kiểm toán năng lượng, kiểm toán nội bộ, doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước…

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Năng lượng là nguồn động lực cho mọi hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của con người. Trình độ sản xuất phát triển ngày càng cao, càng tiêu tốn nhiều năng lượng. Ở Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Khí tượng thủy văn trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình tăng 0,70C, mực nước biển tăng 20 cm, nhiều khu vực bị khô hạn, trong khi đó thiên tai lụt lội với cường độ ngày càng tăng. Việt Nam là một trong 5 nước chịu nguy cơ nước biển dâng cao lớn nhất. Có thể thấy yếu tố năng lượng ngày càng trở nên có tính chất sống còn đối với nhân loại bởi vì trữ lượng dầu khí chỉ đủ dùng cho khoảng 60 năm nữa, còn than đủ dùng cho một thế kỷ nữa, mặt khác sự phát triển của sản xuất đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách về yêu cầu năng lượng và có nguy cơ hủy hoại môi trường.

KTNL là một kiểm tra, khảo sát và phân tích các dòng năng lượng cho bảo tồn năng lượng trong một tòa nhà, một quá trình, hoặc hệ thống để giảm số lượng đầu vào năng lượng của hệ thống mà không ảnh hưởng xấu đến đầu ra. Mục tiêu của KTNL là xác định những khu vực sử dụng năng lượng lãng phí, và các cơ hội tiết kiệm năng lượng, từ đó xây dựng các giải pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Trong sản xuất công nghiệp: KTNL giúp giảm tiêu thụ năng lượng tại các hệ thống sản xuất và bổ trợ trong khi vẫn duy trì, hoặc, cải thiện công suất dây chuyền, năng suất lao động, sức khỏe con người, sự thoải mái và an toàn cho môi trường sống, môi trường làm việc.

Hiện nay, KTNL có thể được thực hiện làm 2 mức: Kiểm toán sơ bộ và kiểm toán tổng thể. Kiểm toán sơ bộ tốn ít thời gian nhất (2 ngày đến 1 tuần với 2 chuyên gia) và chi phí cũng thấp nhất, kết quả có được chính là sự nhận diện và đánh giá ban đầu về các cơ hội, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của hệ thống. Còn kiểm toán tổng thể đưa ra những đánh giá, tính toán chính xác, phát hiện các cơ hội tiết kiệm năng lượng chi tiết hơn và phân tích được các hiệu quả tài chính, kinh tế, lợi ích môi trường cũng như đưa ra được các giải pháp tổng thể và toàn diện nhất. Việc kiểm toán năng lượng tổng thể được tiến hành thông qua việc khảo sát, thu thập, phân tích số liệu tiêu thụ năng lượng trong quá khứ và hiện tại, được thực hiện bởi từ 5 đến 7 chuyên gia, sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, thời gian thực nghiệm từ 7 đến 10 ngày tùy theo quy mô doanh nghiệp. Qua đó nhận diện các cơ hội và phân tích tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật, xã hội của các giải pháp.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

KTNL xuất hiện từ năm 1970 sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng. Những khó khăn về tài chính khi áp dụng các giải pháp cải tiến là trở ngại lớn nhất khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với công việc này. Gần đây, việc KTNL bắt đầu được quan tâm trở lại do áp lực cắt giảm chi phí, xu hướng sử dụng năng lượng bền vững và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Trong thời gian thực hiện vừa qua, KTNL đã đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và môi trường tại Việt Nam, góp phần hưởng ứng chính sách năng lượng quốc gia “sử dụng tiết kiệm và hiệu quả”.

Thứ nhất, giúp các doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng, giảm bớt chi phí năng lượng. Đối với một doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, chi phí cho năng lượng là chi phí thường xuyên và là một chi phí không hề nhỏ. Và chi phí này ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết quả KTNL sẽ đưa ra những con số về sự lãng phí năng lượng cũng như khả năng tiết kiệm năng lượng trong đơn vị (có thể sẽ là những con số khổng lồ, ví dụ như năm 2014, Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với ECC thực hiện kiểm toán năng lượng cho 150 doanh nghiệp sản xuất trọng điểm, trong đó có 28 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy: Tiềm năng tiết kiệm điện của 150 doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán là 90,2 triệu KWh/năm, tương ứng số tiền tiết kiệm hàng năm khoảng 86 tỷ đồng. Qua KTNL giúp đơn vị nhận thức rõ các cơ hội tiết kiệm năng lượng, thiết lập cách quản lý thích hợp để sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng cao vị thế cạnh tranh. Hơn nữa, các đơn vị tiến hành KTNL và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ (như chính sách giá, ưu tiên đầu tư... theo Điều 4 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả) càng giúp cho đơn vị nhận thức rõ hơn tác dụng của KTNL và sử dụng tiết kiệm năng lượng trong đơn vị. Qua đó, việc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả năng lượng sẽ ngày càng được các đơn vị quan tâm và ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ dần trở thành nếp văn hóa trong đơn vị. Đây cũng là giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn đơn vị.

Thứ hai, bảo vệ nguồn năng lượng quốc gia. Đây là một trong những vấn đề sống còn nhằm đảm bảo cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững của từng quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Nhu cầu năng lượng của tất cả các quốc gia ngày càng tăng nhanh, nhưng nguồn dự trữ năng lượng hóa thạch toàn cầu là có hạn, vấn đề ấm lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu... khiến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng trở nên quan trọng. Các quốc gia nói chung và từng đơn vị, tổ chức và cá nhân nói riêng, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ có phát thải thấp hơn và sạch hơn và phải có hành động cụ thể hướng tới việc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn năng lượng. Tiến hành KTNL và thực hiện các khuyến cáo mà kiểm toán viên chỉ ra cho đơn vị là giải pháp rất quan trọng góp phần giảm thiểu nhiên liệu tiêu hao và khí thải, qua đó góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Thứ ba, góp phần giúp doanh nghiệp nhận thức được thực trạng sử dụng nguồn năng lượng tại đơn vị để trên cơ sở đó có biện pháp quản trị hợp lý. Qua KTNL, doanh nghiệp sẽ thấy rõ mức độ tiêu thụ năng lượng của các loại máy móc, thiết bị; Xác định được những bộ phận sử dụng năng lượng lãng phí, nhận diện các cơ hội tiết kiệm và đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng cho đơn vị. Đối với những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (doanh nghiệp có sử dụng 3 triệu Kw/h điện/năm hoặc tương đương trở lên), việc kiểm toán năng lượng còn thể hiện đơn vị đã tuân thủ đúng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày 28/06/2010 - Điều 34. KTNL đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Thứ tư, góp phần bảo vệ môi trường theo hướng xanh sạch đẹp. KTNL giúp đơn vị kịp thời phát hiện những lỗi rò rỉ kỹ thuật gây tổn thất năng lượng, nguy cơ lãng phí nhiên liệu, năng lượng trong đơn vị và ảnh hưởng của nó đến môi trường thông qua các biện pháp giảm thiểu nhiên liệu đầu vào (xăng, dầu...) hoặc có biện pháp chống rò rỉ khí đốt, rò rỉ điện..., từ đó sẽ giảm bớt khí thải độc hại vào môi trường. Có thể thấy rõ tác dụng này qua một vài ví dụ sau: Theo tính toán của Trung tâm Sản xuất sạch hơn, Chi Cục quản lý môi trường thành phố Hồ Chí Minh, khi doanh nghiệp để rò rỉ một giọt dầu trong 1 giây có thể sẽ gây tổn thất khoảng 2.000 lít/năm; một lỗ rò 1mm trên đường ống dẫn khí nén ở áp suất 6 bar có thể gây lãng phí điện năng khoảng 3.000 Kwh/năm. Hoặc theo kết quả KTNL của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội tại Tổng công ty Thép Việt Nam tháng 11/2014 cho thấy, khi áp dụng các giải pháp tại Tổng công ty Thép Việt Nam thu được lượng tiết kiệm gần 81 triệu đồng/năm, tương đương giảm thải 40 tấn C02/năm ra ngoài môi trường...

Bên cạnh những thành quả từ việc thực hiện KTNL thì vẫn còn nhiều mặt tồn tại ở các doanh nghiệp.

Trước hết là, các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích từ hoạt động KTNL. Do đó họ sử dụng những bản báo cáo kiểm toán như một hình thức đối phó trước yêu cầu của Nhà nước và các cơ quan thanh tra. Với ý thức và hành động như thế này, các doanh nghiệp đang tự tăng chi phí cho mình và gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong vấn đề quản lý năng lượng. Hậu quả trước mắt là doanh nghiệp không cắt giảm được chi phí sản xuất từ hoạt động tiết kiệm năng lượng và xa hơn là toàn xã hội phải gánh chịu sự khan hiếm năng lượng, chi phí cho năng lượng ngày càng cao. Sự tiêu tốn năng lượng và khai thác năng lượng không bền vững có tác động xấu nhất định tới môi trường. Do đó, ngoài việc phải gánh chịu một khoản chi phí năng lượng cao, chúng ta còn phải nhận sự đáp trả khắc nghiệt từ môi trường.

Hơn nữa việc một bộ phận cán bộ kiểm toán trình độ chưa cao, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chưa có khả năng phân tích, đánh giá được các tiềm năng tiết kiệm năng lượng cho đơn vị. Thêm vào đó, tính độc lập của kiểm toán viên chưa được đảm bảo, đặc biệt trong trường hợp các đơn vị tư vấn tiết kiệm năng lượng vừa cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng vừa cung cấp máy móc, thiết bị tiết kiệm năng lượng, dẫn đến ý kiến tư vấn cho đơn vị được kiểm toán không đảm bảo tính khách quan... Điều này dẫn đến việc công tác kiểm toán ở nhiều đơn vị mới chỉ dừng ở mức thống kê, chưa tận dụng hết cơ hội tiết kiệm năng lượng, thậm chí nhiều giải pháp đưa ra không khả thi, dẫn đến KTNL còn mang tính hình thức...

III. KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ SỰ CẦN THIẾT ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Một là, Nhà nước đưa quy định KTNL trở thành bắt buộc đối với hầu hết doanh nghiệp. Đa phần mới chỉ có doanh nghiệp nằm trong danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm quan tâm đến báo cáo KTNL như một điều kiện cần và đủ để đảm bảo các yêu cầu pháp luật cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng các doanh nghiệp thuộc diện khuyến khích áp dụng Luật tiến hành KTNL vẫn còn rất hạn chế. Các cơ quan chức năng cần thành lập tổ kiểm tra để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện cao để từ đó dùng biện pháp quản lý việc tiêu thụ điện tại doanh nghiệp và bắt buộc doanh nghiệp phải tiến hành KTNL để có báo cáo lên các cơ quan quản lý.

Hai là, Kiểm toán Nhà nước nên xây dựng những nội dung KTNL phù hợp với từng ngành, từng nghề và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu sâu hơn về hoạt động KTNL phù hợp với đặc thù của ngành mình.

Ba là, Nhà nước hỗ trợ để tăng số lượng công ty cung cấp dịch vụ về KTNL, Kiểm toán Nhà nước kết hợp với các công ty KTNL để đào tạo đội ngũ kiểm toán viên có năng lực. Hiện nay, Bộ Công Thương đã thành lập các trung tâm tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh trên cả nước. Tuy nhiên, nhân lực của các trung tâm này chủ yếu là chuyển từ các bộ phận khác sang, chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Nhà nước nên có sự hỗ trợ cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động KTNL để việc thực hiện KTNL đạt hiệu quả.

Bốn là, Chính phủ cần quy định chi tiết hơn và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật, hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Năm là, Nhà nước có hình thức khuyến khích cụ thể hơn đối với các hộ gia đình thực hiện tốt chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Có những hướng dẫn cụ thể cho các hộ gia đình trong việc sử dụng các phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng và có khả năng tái tạo; Hạn chế sử dụng thiết bị điện công suất lớn, tiêu thụ nhiều điện năng vào giờ cao điểm; Xây dựng nếp sống, thói quen tiết kiệm năng lượng trong sử dụng thiết bị chiếu sáng và gia dụng.

Sáu là, Nhà nước có quy định cụ thể việc các phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng phải được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường.

Bảy là, hàng năm các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải lập báo cáo sử dụng năng lượng của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tám là, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp trong việc tiết kiệm năng lượng. Đồng thời tổ chức các buổi hội thảo góp phần đưa thông tin, lợi ích của KTNL đến với lãnh đạo các doanh nghiệp trên các địa bàn. Trên cơ sở đó giúp họ thay đổi quan điểm chủ động, tích cực hơn trước các cuộc kiểm toán.

Chín là, Nhà nước nói chung và từng đơn vị, tổ chức và cá nhân nói riêng, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ có phát thải thấp hơn và sạch hơn và phải có hành động cụ thể hướng tới việc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn năng lượng. Tiến hành KTNL và thực hiện các khuyến cáo mà kiểm toán viên chỉ ra cho đơn vị là giải pháp rất quan trọng góp phần giảm thiểu nhiên liệu tiêu hao và khí thải, qua đó góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Mười là, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với các cơ quan đơn vị có chức năng quản lý năng lượng, có đội ngũ nhân lực và phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc KTNL đã và đang thực hiện KTNL theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Mười một là, tại các doanh nghiệp, bộ phận kiểm toán nội bộ cũng cần quan tâm đến công tác KTNL, như tư vấn cho lãnh đạo đơn vị có giải pháp phù hợp để thực hiện các kiến nghị của kiểm toán (nếu đơn vị đã được KTNL); Hoặc đề xuất nhà quản trị tổ chức KTNL (thuê kiểm toán hoặc thuê chuyên gia để phối hợp KTNL trong đơn vị...).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Thị Bích Quyên (2012), Điều tra tình hình sử dụng điện và đề xuất các giải pháp tiết kiệm điện cho các hộ gia đình tại TP. Hồ Chí Minh.

2. Trang web Trung tâm Kiểm soát năng lượng quốc gia.

3. Trang web Kiểm toán Việt Nam.

4. Kiểm toán năng lượng - biện pháp tiết kiệm năng lượng - Petrotimes.

 

Ngày nhận bài: 5/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 25/01/2016

Thông tin tác giả:

ThS. Nguyễn Thuỳ Linh & Mai Thanh Hằng

Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

 

 

ENERGY AUDIT IN THE BUSINESS OF VIETNAM

Masters. Nguyen Thuy Linh & Mai Thanh Hang

Accounting Faculty - Economic University industrial engineering

ABSTRACT:

National Target Programme on energy saving and efficiency are deployed for years, but many local enterprises still lack of information, not perceived benefits of energy audits (KTNL ) should not indifferent response.

Keywords: Energy audits, internal audit, enterprise, State Auditor…

Để có thể bình luận, xin vui lòng đăng nhập

Thông báo nhận hồ sơ các Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

04/10/2024

Ban tổ chức thông báo nhận hồ sơ Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, công trình xây dựng và Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024 đến hết ngày 15/11/2024.

ENTECH 2024, Hanoi-Vietnam

14/05/2024

HỘI TRỢ TRIỂN LÃM QUỐC TẾ CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG - MÔI TRƯỜNG 2024

Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam

28/10/2023

Sáng ngày 26/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy thị trưởng đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

RA MẮT THÍ ĐIỂM CÂU LẠC BỘ HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG VÀ BẢO VỆ KHÍ HẬU

22/10/2023

Ngày 17 và 19/10 vừa qua, Lễ ra mắt Thí điểm Câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng và Bảo vệ Khí hậu đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên.

Sốt ruột chờ thị trường điện cạnh tranh

15/10/2023

Phải sớm có cơ chế giải quyết vấn đề bù chéo giá điện, đưa ra được giá thị trường điện, cho phép mua bán điện trực tiếp, bổ sung các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo…

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

14/10/2023

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ - RINH VỀ NHỮNG PHẦN QUÀ HẤP DẪN