Từ năm 2020 Tập đoàn TH đã đầu tư phát triển điện mặt trời trên những mái nhà của cụm trang trại lớn nhất thế giới tại Nghệ An.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời với cường độ bức xạ mặt trời khá cao, trung bình khoảng 4,6 kWh/m²/ngày, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ. Với lợi thế đó, và thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, nhằm tiết kiệm sử dụng năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường và tiết giảm chi phí sản xuất hướng đến phát triển bền vững, từ năm 2020 Tập đoàn TH đã đầu tư phát triển điện mặt trời trên những mái nhà của cụm trang trại lớn nhất thế giới tại Nghệ An.
Từ những mái trang trại bò sữa, hệ thống điện mặt trời tạo ra nguồn điện xanh đã giúp tổ hợp trang trại chăn nuôi bò sữa khép kín lớn nhất thế giới của TH true MILK tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường. Hệ thống pin sản xuất điện mặt trời đã được lắp đặt trên những mái trang trại bò sữa TH từ cuối tháng 9/2020 và hòa lưới điện quốc gia, đáp ứng từ 1/8, có thời điểm đạt 1/5 nhu cầu tiêu thụ điện của trang trại TH.
Điện mặt trời - nguồn năng lượng xanh trong chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn TH. Ảnh: TH.
Theo tính toán, mỗi năm hệ thống điện mặt trời của TH có thể sản xuất khoảng 4.281 MW. Với lượng điện mặt trời tự sản xuất được, Tập đoàn sẽ không phải sử dụng nguồn điện từ nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần giảm phát thải 2.100 tấn CO2. Không chỉ sản xuất điện, hệ thống điện mặt trời trên mái trang trại TH cũng vận hành như một lớp cản nhiệt, làm dịu mát hơn những mái trang trại, góp phần cải thiện hơn nữa điều kiện môi trường sống mát mẻ, khỏe mạnh cho bò sữa, góp phần vào việc sản xuất dòng sữa chất lượng cao.
Hiện tại, có 6 trong số 9 trại của cụm trang trại đã được lắp đặt hệ thống pin mặt trời. Ảnh: TH.
Không chỉ vậy, từ trước khi phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, nhiều năm nay Tập đoàn TH đã sản xuất điện từ bã mía - một phụ phẩm của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU), thành viên Tập đoàn TH. Tại NASU, công nghệ đồng phát điện từ bã mía đã được tích hợp vào quy trình sản xuất. Lượng bã mía, bã bùn từ quá trình ép mía lấy đường được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò. Bã mía được đưa vào làm nhiên liệu sản xuất hơi. Khí hơi với áp suất cao từ quá trình này sẽ đẩy tuabin quay và chạy máy phát điện, từ đó nguồn điện được tạo ra phục vụ cho nhu cầu sử dụng của nhà máy.
Bã bùn và khí thải từ quá trình sản xuất cũng được tận dụng để tạo ra điện, NASU còn áp dụng các mô hình, phương pháp khác để xanh hóa quy trình hoạt động, sản xuất, bảo vệ môi trường của mình.
Hệ thống vận hành bên ngoài nhà máy NASU. Ảnh: TH.
Có thể thấy, việc sản xuất nguồn điện từ mặt trời hay từ phụ phẩm trong quá trình sản xuất đã giúp các đơn vị của Tập đoàn TH không chỉ tiết giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn góp phần vào nỗ lực bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng nói chung.
Doãn Tâm