Năm 2013, tờ Der Spiegel trích dẫn báo cáo của cơ quan năng lượng Đức cho biết, nước này đã phải trả tới 20 tỷ euro để mua một lượng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo có giá thị trường vào khoảng…3 tỷ euro.
Những ngày vừa qua, nhiều độc giả Việt Nam đã chia sẻ bài báo, chương trình truyền hình nói về hiện tượng “ở nước Đức, nguồn điện gió dư thừa đến mức giá điện xuống mức âm và người dân được nhà cung cấp điện trả tiền để sử dụng”.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đó là một minh chứng cho việc nguồn điện năng từ các nguồn năng lượng có thể tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) hoàn toàn có thể thay thế nguồn điện truyền thống (điện hạt nhân, thuỷ điện, nhiệt điện…) vốn có nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường hay sự cố mang tầm thảm hoạ.
Đây là cách hiểu rất sai lầm.
Vì sao có giá điện âm?
Trước hết phải khẳng định, việc giá điện xuống mức âm là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra trên lý thuyết và nước Đức không phải là ví dụ duy nhất. Ở Mỹ, các công ty điện lực ở bang California cũng đã nhiều lần phải “trả tiền” cho các bang lân cận để họ tiêu thụ bớt điện từ nguồn điện mặt trời do sản lượng quá dư thừa.
Nhưng việc dư thừa này lại rất “hên xui”, tức là có ngày nhiều nắng hoặc nhiều gió thì sản lượng cao nhưng ngay hôm sau, sản lượng lại lập tức sụt giảm rất mạnh. Thậm chí, sự biến thiên của sản lượng điện mặt trời, điện gió thay đổi từng phút trong một ngày.
Theo tờ USA Today, tính đến cuối năm 2015, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo của Đức chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện tiêu dùng trên cả nước. Ở bang California (Mỹ), sản lượng điện mặt trời chiếm khoảng 13% còn ở Đức, con số còn khiêm tốn hơn rất nhiều với chỉ khoảng 3,7%.
Như vậy, xét về tổng thể thì Đức cũng giống như các quốc gia khác vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào các nhà máy điện truyền thống như điện nguyên tử, nhiệt điện (đốt gas). Để đảm bảo an ninh năng lượng và tiết kiệm chi phí, các nhà máy điện truyền thống này được duy trì hoạt động ổn định, đều đặn để cung cấp một sản lượng điện gần như cố định quanh năm.
Trong một số ngày, khi điều kiện tự nhiên đột biến, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng vọt dẫn đến tổng sản lượng điện trên toàn hệ thống trở nên quá cao. Nếu tiếp tục để việc này kéo dài, hệ thống truyền tải điện quốc gia sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí sụp đổ hoàn toàn bởi hiện tượng có tên là “rã lưới”.
Để cứu nguy, trong những thời điểm này nhà cung cấp điện sẽ kêu gọi người sử dụng điện tăng cường tiêu thụ hoặc nhờ mạng lưới điện của các bang khác (nước láng giềng) chia sẻ bớt bằng cách miễn phí hay trả thêm một phần tài chính bù đắp chi phí vận hành.
Khi sản lượng điện gió hoặc điện mặt trời tăng cao, các nhà cung cấp lại không thể giảm công suất hay dừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân hoặc nhiệt điện bởi chi phí để tái khởi động các nhà máy này vô cùng lớn.
Một yếu tố quan trọng nữa là giá bán trong ngắn hạn (ví dụ 1 ngày) phụ thuộc hoàn toàn vào sự cân bằng cung – cầu chứ không phản ánh chi phí sản xuất như thông thường. Chính vì vậy, khi sản lượng điện tăng đột biến thì giá bán cũng giảm đột biến, thậm chí bằng không, tính cả khoản chi cho phía “cứu trợ” thì thực giá sẽ là âm.
Quay trở lại câu chuyện ở nước Đức đang được độc giả Việt Nam bàn tán, giá bán âm là có thật và như thống kê của cơ quan năng lượng Đức, riêng trong năm 2015, đã có 25 lần giá điện xuống âm nhưng nó chỉ đơn thuần minh chứng cho một thực tế là điện từ nguồn năng lượng tái tạo rất kém ổn định và khó lường trước nên không thể nào thay thế được các nguồn điện năng truyền thống. Dùng câu chuyện này để chứng minh sự “thành công” của việc phát triển điện năng các nguồn năng lượng tái tạo là vô cùng sai lầm.
Năng lượng tái tạo: Ngậm bồ hòn làm ngọt
Dù các nhà vận động cho trào lưu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo liên tục khẳng định rằng: Trong tương lai, khi khoa học kỹ thuật phát triển, giá thành sản xuất 1KWh điện từ các nguồn tái tạo sẽ giảm mạnh thì nó vẫn là một “trái bồ hòn” đắng ngắt.
Theo tờ Der Spegel của Đức, phong trào “toàn dân xây dựng cánh đồng điện gió” đã tiêu tốn của quốc gia này một nguồn tài chính khổng lồ. Chưa kể các khoản trợ cấp và chi phí lắp đặt, năm 2013 nước Đức đã phải trả tới 20 tỷ euro (khoảng 26 tỷ USD) để mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo trong khi với cùng sản lượng này, khi mua từ các nhà máy điện truyền thống, nước Đức chỉ phải chi chưa đến…3 tỷ euro.
Chưa có nghiên cứu cụ thể liệu có phải việc phát triển ồ ạt nguồn năng lượng tái tạo đã khiến giá điện của Đức cao bất thường hay không nhưng theo số liệu của IEA (Cơ quan năng lượng quốc tế) thì trong năm 2015, giá bán điện trung bình của Đức là khoảng 17,7 cent/KWh đối với các ngành công nghiệp và khoảng 39,5 cent/KWh đối với khách hàng hộ cá thể ở nông thôn – một trong những nước có giá điện cao nhất thế giới. Để dễ so sánh, IEA đưa ra bảng giá bán điện năm 2015 ở Mỹ là khoảng 7 cent/KWh trong công nghiệp và 12,5 cent/KWh đối với khách hàng nông thôn.
Vì sao giá điện ở Đức cao như vậy?
Theo ông Micheal Lynch – chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực kinh tế dầu mỏ và năng lượng, rất có thể việc phập phù của sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo khiến cho giá bán buôn bị giảm quá sâu trong nhiều thời điểm (có lúc đã xuống mức âm 130 euro/KWh), để bù đắp khoản thâm hụt này, nhà cung cấp điện buộc phải tăng giá bán trong những ngày còn lại và hệ quả là mọi thiệt thòi đổ lên đầu người tiêu dùng điện ở Đức.
Không chỉ có Đức hay bang California của Mỹ đang phải nuốt trái đắng này, tờ Die Welt (Đức) còn cho biết, một số quốc gia khác như Anh hay Đan Mạch cũng vậy.
Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch Lars Christian Lilleholt đã buộc phải ra lệnh huỷ bỏ kế hoạch xây dựng 5 trang trại điện gió lớn ngoài khơi để bảo vệ người tiêu dùng nước này khỏi sự gia tăng giá điện quá sốc.
Ở Đức, các nghị sỹ hàng đầu của đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel cũng đã nhiều lần chất vấn về việc: Khi nào thì Đức dừng các dự án điện gió quá tốn kém?