Năng lượng là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Xu hướng tiêu thụ năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng ngày một gia tăng đã đặt ra hai vấn đề trọng tâm về năng lượng.
Thứ nhất là các nguồn năng lượng đặc biệt là hóa thạch như than, dầu, khí đốt ngày càng trở nên cạn kiệt.
Thứ hai là việc sử dụng các nguồn năng lượng đã thải vào môi trường một lượng khí thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường, gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Chính vì vậy mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách và những biện pháp cụ thể nhằm khai thác, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, địa nhiệt, gió v.v…
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 28/06/2010, có hiệu lực thi hành từ năm 2011 đã quy định các nội dung như: chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trên cơ sở đó, các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đẩy mạnh, đặc biệt là hoạt động kiểm toán năng lượng (KTNL) đối với các cơ sở sử dụng năng lượng.
__________________________________________________________________
“Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng là hoạt động khảo sát, đo lường, phân tích, tính toán, đánh giá để xác định mức tiêu thụ năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng, đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng mà không ảnh hưởng đến đầu ra của đơn vị.”
__________________________________________________________________
Hiện nay, mỗi năm có hàng trăm báo cáo kiểm toán năng lượng được thực hiện, đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp tổ chức triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cải thiện tình trạng sử dụng năng lượng tại đơn vị. Lực lượng chính thực hiện kiểm KTNL là các Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Tổ chức Tư vấn và dịch vụ tiết kiệm năng lượng thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt đông theo luật Công ty.
Hoạt động kiểm toán năng lượng thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện đã được pháp luật quy định, sau đây là những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện TKNL tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm từ góc nhìn của Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Việt Nam (VETS).
Đối với cơ sở sử dụng năng lượng
Thuận lợi:
- Đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành có chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm trong việc sử dụng hệ thống trang thiết bị tại đơn vị;
- Có đầy đủ hệ thống quản lý, theo dõi hoặc đội ngũ thực hiện thu thập dữ liệu thường xuyên, chú ý đến tình hình tiêu thụ năng lượng;
- Đội ngũ cán bộ kĩ thuật có tinh thần học hỏi, đưa ra những ý kiến giải pháp có thể thực hiện được đối với nhà máy trong việc tiết kiệm năng lượng;
- Toàn thể cán bộ, công nhân viên trong công ty có ý thức vận hành và sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Khó khăn:
- Gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn được đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện KTNL;
- Các giải pháp TKNL được đề xuất trong nhiều báo cáo còn mang tính lý thuyết, không thực sự phù hợp với hiện trạng của cơ sở dẫn đến việc các cơ sở không thực sự nhận được các lợi ích do KTNL mang lại;
Hình ảnh Kiểm toán viên năng lượng đi thực tế tại thủy điện Hòa Bình (Vets-2021)
Đối với đơn vị tư vấn
Thuận lợi:
- Công nghệ sản xuất và công cụ quản lý sản xuất của các nhà máy ngày càng hiện đại hơn, có đầy đủ hệ thống đo đếm, giám sát, cung cấp nguồn dữ liệu phong phú cho các KTVNL thực hiện các đánh giá;
- Nhận thức của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về lợi ích của KTNL ngày càng cao, càng ngày càng có nhiều cơ sở quan tâm thật sự đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Khó khăn:
- Sự cạnh tranh về giá dịch vụ gây ra nhiều khó khăn cho các đơn vị tư vấn trong việc cung cấp dịch vụ KTNL đảm bảo chất lượng;
- Thiếu các khóa đào tạo chuyên sâu về TKNL trong các lĩnh vực khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc nâng cao chất lượng công tác KTNL;
- Các đơn vị tư gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp tài chính để trang bị hệ thống thiết bị đo kiểm yêu cầu có độ chính xác ngày càng cao phục vụ công tác KTNL.
Là một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm gần 15 năm trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong công tác kiểm toán năng lượng, VETS (Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Việt Nam) đã hoàn thiện quy trình KTNL của riêng mình nhằm đảm bảo cung cấp đến khách hàng dịch vụ KTNL có chất lượng tốt, đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật
Việc đầu tiên khi bắt đầu một dự án kiểm toán năng lượng là phải thu thập thông tin, tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán năng lượng. Từ đó tập trung vào đánh giá hệ thống tiêu thụ điện năng lớn và có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao. Sau khi có dữ liệu VETS sẽ tiến hành đi khảo sát toàn bộ nhà máy, từ việc đi khảo sát nhóm KTNL có thể xác định các hệ thống có tiềm năng, đôi khi là những đánh giá và đưa ra giải pháp sơ bộ đối với hệ thống của nhà máy. Sau khi khảo sát nhóm KTNL sẽ tiến hành lựa chọn điểm đo và bắt đầu đo kiểm. Trong quá trình đo kiểm cần phải thường xuyên theo dõi hiện trạng của thiết bị cũng như biểu đồ đo trên máy đo kiểm (nếu có) để đánh giá nguyên nhân làm thay đổi hoạt động của thiết bị. Kết thúc quá trình đo kiểm cần phải phân tích, đánh giá và so sánh những dữ liệu đã thu thập được. Ngoài ra, cần so sánh công nghệ của các công ty cùng ngành sản xuất trong nước, cũng như so sánh với công nghệ của nước ngoài để có thể đưa ra những giải pháp tối ưu và phù hợp với công nghệ của đơn vị.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ KTNL cũng như hỗ trợ các cơ sở sử dụng năng lượng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực này.
a) Đối với các cơ quan lý cấp Trung ương, cần đẩy mạnh các hoạt động giúp nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn bằng cách:
- Thường xuyên cập nhật, cải tiến chương trình đào tạo Kiểm toán viên năng lượng (KTVNL) và Người Quản lý năng lượng (NQLNL);
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTVNL và NQLNL được cấp chứng chỉ;
- Cập nhật quy định của nhà nước về hoạt động KTNL phù hợp với sự thay đổi của tình hình thực tế.
b) Đối với các cơ quan quản lý nhà nước địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương:
- Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, rà soát chất lượng các báo cáo KTNL được nộp theo hướng dẫn cụ thể của thông tư 25/2020/TT-BCT;
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hằng năm cho các cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng lớn trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, cập nhật những quy định mới của nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cũng nhưng giới thiệu những quy trình, công nghệ mới về tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị.
- Cử cán bộ chuyên môn định kỳ tham gia các khóa đào tạo chuên sâu nhằm nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, đảm bảo chất lượng chuyên môn trong việc đánh giá kết quả các báo cáo KTNL.
Như vậy, việc thực hiện KTNL muốn đạt kết quả tốt, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cần có sự tham gia tích cực của cả các cơ sở sử dụng năng lượng, các đơn vị tư vấn cũng như các cơ quan quản lý nhà nước./.
Hoàng Hải, Vets
& Hội KH-CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1) Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số: 50/2010/QH12 ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011)
2) Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3) Thông tư 25/2020/TT-BCT ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng.