PV: Được biết ông vừa có một chuyến đi tham quan và trao đổi kinh nghiệm với đối tác tại Đức về các nội dung liên quan đến hoạt động TKNL. Ông có thể chia sẻ về những trải nghiệm của chuyến đi?

Ông Lê Khắc Giang: Năm 2021, tôi đã tham gia và may mắn được trao giải thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quản lý năng lượng tại doanh nghiệp, đây là hoạt động trong khuôn khổ Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021 do VECEA  phối hợp với Văn phòng  Ban chỉ đạo TKNL - Bộ Công Thương và  Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức. Chuyến đi đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ, kết nối và trao đổi với các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu CHLB Đức về lĩnh vực này.

dep giai anh giang
Ông Lê Khắc Giang tại Leipzige

PV: Ông cho biết cảm nghĩ của ông về chuyến đi đó? Nước Đức, con người Đức, cách họ nhận thức và áp dụng TKNL vào  hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng, ông cảm thấy như thế nào?

Ông Lê Khắc Giang: Chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu sắc về cách thức tổ chức rất chuyên nghiệp và chu đáo từ công tác làm visa, các nội dung liên quan đến phòng chống Covid-19 khi vào Đức như thế nào… đã được các bạn ở GIZ hướng dẫn, trợ giúp chi tiết và nhiệt tình. Trước đây tôi đã biết về nước Đức nhưng khi tham gia chương trình này càng thấy rõ hơn về một đất nước phát triển đứng đầu châu Âu, ấn tượng về triết lý chất lượng làm nên thương hiệu, con người rất có kỷ luật và không phô trương, hình thức; không thấy các quảng cáo rầm rộ như biển hiệu, đèn màu các loại…

Nước Đức sử dụng năng lượng cũng đứng đầu châu Âu và họ đã đưa giáo dục về sử dụng hiệu quả năng lượng ngay vào chương trình đào tạo của trường học phổ thông nên người dân Đức ngay từ bé đã được trang bị những kiến thức rất cơ bản về TKNL và ý thức cao về vấn đề này. Là đất nước công nghiệp rất phát triển và có chiều sâu, mạng lưới hiệu quả năng lượng phát triển với quy mô từ 10-15 doanh nghiệp, đơn vị mà không nhất thiết cùng ngành hàng sản xuất kinh doanh, quan trọng là sự tôn trọng, bình đẳng và thuận lợi ở cùng địa bàn trong kết nối, chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý và TKNL, mời các chuyên gia tới trao đổi, đào tạo… Đức cũng tiên phong trong chống biến đổi khí hậu, quyết tâm đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2045 so với năm 2050 như cam kết trước đây; ngoài những áp dụng những công nghệ cao về TKNL, họ cũng tập trung nghiên cứu và đầu tư về điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… và nhiên liệu hydro Xanh.

natsteelvina 1
Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng nhau

PV: Từ trải nghiệm về chuyến đi, các thành viên đều có những kinh nghiệm rút ra cho mình và doanh nghiệp, đồng thời, có những định hướng mới cho hoạt động TKNL của đơn vị mình trong những năm tiếp theo. Ông cho biết về những ấp ủ của ông?

Ông Lê Khắc Giang: Chuyến đi đã khiến tôi càng nhìn nhận rõ quan điểm trong sử dụng năng lượng của Đức dựa trên 2 trụ cột chính là hiệu quả năng lượng và chuyển dịch năng lượng, đồng hành cùng Chính phủ như cam kết COP26 về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tôi chắc chắn mỗi thành viên trong đoàn cũng đã rút ra cho mình được những kinh nghiệm, bài học thực tiễn.

Về phía NatSteelVina, chúng tôi cũng định hướng theo 2 trụ cột này với nội dung xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng (QLNL) theo ISO50001 đang được triển khai, tiếp tục nâng cao hoạt động nội vi, áp dụng các công nghệ mới trong điều kiện của đơn vị 1 cách tối ưu để đảm bảo hiệu quả năng lượng. Mặt khác, Công ty cũng đang nghiên cứu tiền khả thi sử dụng điện mặt trời áp mái trong dự án hỗ trợ của GIZ với dự tính công suất khoảng 6% sản lượng điện sử dụng. Công ty cũng đã có những kết nối với Hội TKNL và các đối tác liên quan  để phối hợp nhằm nâng cao các hoạt động TKNL; tham vấn trao đổi thông tin, nhận xét, đánh giá về các cơ chế, công cụ tài chính về hiệu quả năng lượng đã và đang được áp dụng. NatSteelVina xem đây cũng là cơ hội để chúng tôi được chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và bày tỏ nhu cầu của mình trong lĩnh vực này cũng như góp ý, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với những vấn đề cụ thể và giải pháp hoàn thiện có chế, công cụ tài chính trong giai đoạn tới, nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và các đơn vị, tố chức liên quan áp dụng, góp phần đẩy mạnh các hoạt động TKNL và góp phần thực hiện Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2030.

hop hang natsteelvina
Thành quả lớn nhất của chuyến đi là được thảo luận, trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của nước bạn

PV: Chắc hẳn ông đã có những kỷ niệm không thể quên qua chuyến đi, ông có thể tiết lộ được không thưa ông Giang?

Ông Lê Khắc Giang: Có chứ. Mỗi chuyến đi đều để lại cho chúng ta vô vàn câu chuyện. Đối với tôi, ấn tượng nhất chính là tính kỷ luật của người Đức. Trên vỉa hè luôn có một hành lang riêng có kẻ vạch cho người đi xe đạp mà ngay cả người đi bộ cũng không xâm phạm, rất an toàn và văn minh. Tầu điện ngầm chỉ thỉnh thoảng ngẫu nhiên có soát vé nhưng người dân Đức mua vé rất nghiêm túc.

Công nghệ Đức triệt để tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng như cho phép thu hồi nước thải nóng để xử lý nhiệt cho sưởi ấm hoặc các mục đích gia nhiệt khác cho các tòa nhà, đảm bảo tối ưu về năng lượng; hệ thống chiếu sáng trong nhà và ngoài đường tự động hoạt động theo cảm biến độ sáng theo mục đích phù hợp tránh lãng phí không cần thiết; hệ thống giám sát tiêu thụ năng lượng trong toàn nhà cho phép đánh giá và so sánh để có khuyến cáo, các chỉ tiêu thi đua… giữa các văn phòng làm việc khác nhau; Mô hình mạng lưới hiệu quả năng lượng hoạt động đã từ rất sớm và rất hiệu quả với quy mô từ 10-15 công ty, đơn vị trên cùng địa bàn, thuận lợi kết nối và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và mời các chuyên gia đến tư vấn, đào tạo các nội dung liên quan đến TKNL với tinh thần bình đẳng, tôn trọng.

shneider
Chụp ảnh lưu niệm tại Tập đoàn thiết bị điện hàng đầu thế giới-Schneider Electric.

Một địa điểm mà chúng tôi ghé thăm là Tập đoàn thiết bị điện hàng đầu thế giới-Schneider Electric. Tại đây chúng tôi được lắng nghe và tọa đàm với các chuyên gia của Hãng, của Siemens. Hội Điện tử, kỹ thuật số Đức-lĩnh vực công nghiệp sáng tạo nhất ở Đức (cứ ba sáng kiến trong ngành sản xuất thì có một sáng kiến dựa trên các giải pháp từ ngành kỹ thuật điện) cũng được mời đến tham dự đã chia sẻ rất nhiều kiến thức rất có ý nghĩa, cho thấy đất nước Đức đã phát triển ở trình độ cao như thế nào với nhiều bài học quý về QLNL và chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải.

Và cũng tại đây, tôi nhìn nhận ra một nước Đức luôn sẵn sàng hỗ trợ những nước đang phát triển như Việt Nam đồng hành trên con đường chung của thế giới giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu. Họ rất lắng nghe những khó khăn, trăn trở của các doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành ở Việt Nam đang gặp phải. Đặc biệt, NatSteelVina cũng có cơ hội trình bày những vấn đề đó của mình tại đây. Tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì họ lắng nghe rất chăm chú.

den chum
Không khí nghiêm túc đúng phong cách người Đức

Với người Đức, tôi còn một ấn tượng không quên nữa là tinh thần đồng đội. Số là vào buổi chiều hàng ngày chúng tôi đều thực hiện test nhanh để thuận lợi cho công việc của ngày hôm sau, bỗng kết quả test nhanh hôm ấy cho thấy có 1 anh trợ lý của GIZ, chiếm vị trí rất quan trọng trong việc tố chức, điều hành chuyến đi bị F0. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như vậy, thì có một chuyên gia là ông Markus – đại diện hợp phần hiệu quả Năng lượng của GIZ tại Việt Nam đã rất quyết đoán thuê xe tự lái, mở cửa sổ để đưa đồng nghiệp về lại thủ đô. May mắn là kết quả PCR sau đó lại cho thấy anh ấy âm tính.

Hình ảnh về một chuyên gia người Đức rất mạnh mẽ, quyết đoán, vượt mọi trở ngại, khó khăn kể cả dịch bệnh để giữ an toàn cho mọi người trong đoàn, bất chấp vất vả để đảm bảo tiến độ chuyến công tác cũng như không bao giờ để đồng đội phải một mình đã in đậm trong tâm trí tôi, khiến tôi cảm phục. Và tôi sẽ không bao giờ quên!

PV: Xin cảm ơn ông!