Ngày 11/6, tại Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thăm, kiểm tra tình hình sản xuất và cung ứng điện tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương (thuộc Tổng Công ty Phát điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh và việc khai thác, cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện tại Công ty cổ phần than Hà Tu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham gia Đoàn công tác.
Theo báo cáo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), 5 tháng đầu năm tất cả các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV đều đảm bảo tiến độ kế hoạch và có sự tăng trưởng cao (tăng từ 3-10%) so với thực hiện cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, doanh thu toàn TKV ước đạt trên 70 ngàn tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch năm, bằng 109% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 15,6 ngàn tỷ đồng, bằng 76,5% kế hoạch năm. Đặc biệt, than cho các nhà máy điện được ưu tiên để cung ứng với số lượng 17,3 triệu tấn, bằng 45% kế hoạch năm, tăng trên 2,1 triệu tấn so với thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng cam kết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn sẽ đạt và vượt kết kế hoạch năm 2023 và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để hoàn thành các nhiệm vụ đó, đại điện TKV đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư. Đồng thời, TKV cam kết sẽ phối hợp, đảm bảo sự phát triển hài hoà với địa phương trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình cung cấp than của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Than Đông Bắc cho các nhà máy nhiệt điện đang được triển khai thuận lợi theo đúng kế hoạch đã đề ra và dự kiến cả năm cung cấp đủ theo hợp đồng. Về các sự cố tại các tổ máy của các nhà máy nhiệt điện, hiện có 9 nhà máy nhiệt điện với 12 tổ máy gặp sự cố. Trong đó có 8 tổ máy của 5 nhà máy thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Như vậy EVN phải nỗ lực để trong những ngày tới khắc phục cho được 5 nhà máy còn lại với tổng công suất 1.400 MW. Về truyền tải, để truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc, Bộ trưởng cho biết, hiện còn 4 dự án 500kV là Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, Thanh Hóa – Nam Định, Nam Định – Phố Nối cố gắng hoàn tất các thủ tục làm sao triển khai được. Bộ Công Thương sẽ ủng hộ hoàn toàn về kỹ thuật.
Bên cạnh đó, liên quan đến các kiến nghị của TKV cũng như Than Đông Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẵn sàng lắng nghe và chung tay tháo gỡ vướng mắc một cách triệt để. Riêng các kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương thống nhất rất cao, không chỉ về nhiệt điện, than mà còn cả các lĩnh vực khác.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, nỗ lực xử lý, giải quyết, khắc phục các khó khăn, thách thức. Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp điều hành sử dụng hiệu quả nguồn vốn tại các tập đoàn, tổng công ty. Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới sản xuất, cung ứng điện. Trong chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cũng đã tới thăm hỏi, động viên và tặng quà các cán bộ, công nhân của nhà máy nhiệt điện Mông Dương, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh và công trường công ty than Hà Tu.
Theo: moit.gov.vn