Ngày 13/04 tại Phú Yên, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo "Phân tích mô hình kinh doanh của các nhà máy điện sinh khối trong ngành mía đường”.
Hiện nay, cả nước có 10 nhà máy đồng phát nhiệt điện bã mía. Theo Quyết định số 08/2020/QD-TTg ngày 5/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, giá điện sinh khối cho (i) các dự án đồng phát (sử dụng nguyên liệu sinh khối để sản xuất hơi và điện) là 7,03 UScent/kWh, (ii) các dự án điện sinh khối khác (không phải là đồng phát nhiệt - điện) là 8,47 UScent/kWh.
Trước đây các nhà máy đường chủ yếu vận hành trong vụ mía và sử dụng bã mía để sản xuất điện và hơi. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất bền vững, các nhà máy đường đã lên phương án vận hành nhà máy ngoài vụ mía. Điều này có nghĩa là ngoài vụ, các nhà máy này chỉ sản xuất điện mà không sản xuất hơi. Để vận hành ngoài vụ, các nhà máy điện sinh khối này sẽ mua các loại sinh khối khác để sản xuất điện .
Xuất phát từ thực tế trên, hội thảo “Phân tích mô hình kinh doanh của các nhà máy điện sinh khối trong ngành mía đường” được tổ chức để tìm ra giải pháp phù hợp giúp các nhà máy điện sinh khối duy trì vận hành ổn định. Tại đây, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thực trạng phát triển các nhà máy điện sinh khối tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp nhằm khuyến khích các nhà máy này hoạt động ngoài vụ mía để thu hút các nhà đầu tư.
Đến tham dự hội thảo có các đại điện đến từ Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương); Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh nơi có nhà máy điện sinh khối, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các sở ngành liên quan, Viện Năng Lượng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp mía đường và các chuyên gia quốc tế. Đặc biệt, hội thảo vinh dự được đón tiếp ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch tỉnh Phú Yên đến tham gia và phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo tham vấn nằm trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam (BEM) do GIZ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thực hiện, dưới sự tài trợ của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU).