Tin tức

Hàng tỷ máy điều hòa có thể 'nấu chín' Trái đất

Trái đất có thể bị "nấu chín" nếu thiết bị điều hòa vẫn sử dụng công nghệ làm mát cũ, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng.

Theo dự báo của cơ quan năng lượng quốc tế IEA, thế giới năm 2023 có hơn hai tỷ điều hòa không khí, tăng lên ba tỷ vào 2030 và hơn bốn tỷ trong 2040. Sự phổ biến của máy điều hòa được đánh giá giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng năng lượng để phục vụ cho loại thiết bị này, cùng các chất làm mát trong công nghệ điều hòa hiện tại lại gây hại nhiều hơn cho khí hậu.

"Nếu các tiêu chuẩn về hiệu quả không được cải thiện, hành tinh này sẽ bị nấu chín theo đúng nghĩa đen", Abhas Jha, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu tại Singapore, nhận định.

Thống kê và dự báo về số lượng điều hòa trên thế giới. Ảnh: IEA

Thống kê và dự báo về số lượng điều hòa trên thế giới. Ảnh: IEA

Nhu cầu làm mát ngày càng tăng

Theo Bloomberg, một số khu vực nghèo nhất thế giới cũng là những nơi nóng nhất. Nhưng tại đó, thu nhập của người dân đang tăng lên và máy điều hòa trở thành mặt hàng trong tầm tay của hàng triệu người.

Đây cũng là lý do đằng sau sự bùng nổ về doanh số điều hòa thời gian qua và dự báo kéo dài trong những năm tới. Trang này dẫn lời các chuyên gia kinh tế rằng mức thu nhập hàng năm của mỗi hộ gia đình vào khoảng 10.000 USD có thể là "điểm bùng phát" cho nhu cầu về máy điều hòa. Một số nước như Indonesia, Philippines đã vượt qua ngưỡng này trong vài năm. Tại Ấn Độ, nơi 80% dân số chưa sử dụng điều hòa nhiệt độ, con số cũng có thể đạt 9.000 USD trong năm nay.

Kanwaljeet Jawa, đứng đầu chi nhánh Ấn Độ của hãng điều hòa Daikin, cho biết doanh số bán hàng của chi nhánh đã tăng hơn 15 lần vài năm qua. Những nước như Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán là thị trường lớn nhất của thiết bị điện tử này trong tương lai gần.

Theo giới phân tích, ở nơi có khí hậu nóng, người dân thường có giấc ngủ kém hơn, khả năng nhận thức bị suy giảm, kéo theo giảm năng suất lao động. Trong bối cảnh đó, việc trang bị máy điều hòa là vấn đề sống còn. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại hàng nghìn nhà máy ở Ấn Độ, khi điều hòa tăng lên một độ C, năng suất giảm 2%.

Máy làm mát và điều hòa không khí được bán tại một khu chợ ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Máy làm mát và điều hòa không khí được bán tại một khu chợ ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Một trong những chất làm mát phổ biến hiện nay là hydrofluorocarbons (HFC), có khả năng làm ấm Trái đất lên gấp 1.000 lần so với carbon dioxide. Các nhà nghiên cứu ước tính nếu không giảm sự phụ thuộc vào HFC có thể dẫn đến sự nóng lên nửa độ C vào cuối thế kỷ, từ đó gây ra hàng loạt hệ lụy như những cơn bão, hạn hán và nhiều đợt nắng nóng hơn.

Các cơ quan khí hậu quốc tế đang gây áp lực buộc các nước đang phát triển phải giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên phản hồi về vấn đề này, Ấn Độ cho rằng việc sử dụng điều hòa của họ vẫn ít ảnh hưởng hơn những quốc gia như Mỹ, nơi cứ 10 người thì có 9 người được tiếp cận với điều hòa không khí.

"Chúng ta đang đối mặt với một tình huống mà các điều kiện cực kỳ khắc nghiệt áp đặt lên các nền kinh tế đang phát triển", José Guillermo Cedeño Laurent, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Rutgers ở New Jersey, nói.

Cần "chất làm mát xanh"

Sự gia tăng máy điều hòa sử dụng HFC có thể gây hệ quả xoay vòng, khi thiết bị làm mát sẽ khiến trái đất nóng lên. Bên cạnh đó, ở các quốc gia có nhu cầu đang tăng nhanh vẫn phụ thuộc vào năng lượng cũ như nhiệt điện, và phần lớn người dùng chỉ có thể mua thiết bị giá rẻ nhất và kém hiệu quả về năng lượng.

Nếu không giảm sự phụ thuộc vào HFC, trái đất có thể nóng lên nửa độ C vào cuối thập kỷ này. Ảnh: Bloomberg

Nếu không giảm phụ thuộc vào HFC, Trái đất có thể nóng lên nửa độ C vào cuối thập kỷ. Ảnh: Bloomberg

Năm 2016, hơn 170 quốc gia đã thỏa thuận bắt đầu loại bỏ dần HFC từ 2019. Thay thế HFC hiện nay có các chất làm mát ít gây hại cho môi trường được sản xuất bởi Chemours và Honeywell. Daikin và Mitsubishi cũng đang nghiên cứu các sản phẩm mới của riêng mình.

"Nếu không có chất làm lạnh xanh, bạn sẽ là người thua cuộc" Jawa, Giám đốc điều hành của Daikin Ấn Độ, nói.

Tuy nhiên, thách thức tại thị trường điều hòa mới nổi là làm sao triển khai công nghệ sạch hơn trước khi hàng triệu người tiêu dùng mua những chiếc điều hòa công nghệ cũ. Người dùng tại đó không quan tâm đến những thỏa thuận quốc tế. Điều họ cần là một chiếc điều hòa.

Naresh Tatavet, một tài xế cá nhân ở Delhi (Ấn Độ), cho biết người dân nơi anh ở thậm chí còn ăn mừng khi nhà nào đó sắm được điều hòa. Đó thường là khoản đầu tư tài chính lớn đối với họ.

"Tôi không muốn thức dậy ướt đẫm mồ hôi nữa" anh nói.

Lưu Quý (theo Bloomberg)

Để có thể bình luận, xin vui lòng đăng nhập

Thông báo nhận hồ sơ các Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

04/10/2024

Ban tổ chức thông báo nhận hồ sơ Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, công trình xây dựng và Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024 đến hết ngày 15/11/2024.

ENTECH 2024, Hanoi-Vietnam

14/05/2024

HỘI TRỢ TRIỂN LÃM QUỐC TẾ CÔNG NGHỆ NĂNG LƯỢNG - MÔI TRƯỜNG 2024

Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam

28/10/2023

Sáng ngày 26/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy thị trưởng đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

RA MẮT THÍ ĐIỂM CÂU LẠC BỘ HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG VÀ BẢO VỆ KHÍ HẬU

22/10/2023

Ngày 17 và 19/10 vừa qua, Lễ ra mắt Thí điểm Câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng và Bảo vệ Khí hậu đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên.

Sốt ruột chờ thị trường điện cạnh tranh

15/10/2023

Phải sớm có cơ chế giải quyết vấn đề bù chéo giá điện, đưa ra được giá thị trường điện, cho phép mua bán điện trực tiếp, bổ sung các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo…

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

14/10/2023

THI TÌM HIỂU KIẾN THỨC VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ - RINH VỀ NHỮNG PHẦN QUÀ HẤP DẪN