Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) được phát triển thành một trong ba lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Đức. Đây là chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ), ESP với mục tiêu góp phần thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, thông qua đẩy mạnh khung chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân và nâng cao năng lực chuyên môn cũng như năng lực quản lý của các tổ chức và các bên liên quan.
Một số dự án đã và đang được triển khai trong Chương trình ESP bao gồm: Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E), được triển khai trong giai đoạn 2015-2023; Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả năng lượng (SGREEE), triển khai trong giai đoạn 2017-2021; Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM), giai đoạn 2019-2023; Điện mặt trời mái nhà trong ngành Thương mại và Công nghiệp (CIRTS), giai đoạn 2021-2025; Hệ thống Sản xuất tích hợp Nuôi trồng thủy sản và Năng lượng mặt trời cho hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên (SHRIMPS), giai đoạn 2019-2023; Năng lượng sạch, giá cả hợp lý và An ninh năng lượng cho khu vực Đông Nam Á (CASE), giai đoạn 2020-2024; Chương trình Phát triển Dự án (PDP), giai đoạn 2011-2023; Hỗ trợ mở rộng quy mô Điện gió tại Việt Nam (DKTI WIND), giai đoạn 2014-2018.
Điểm chung của các Dự án trong Chương trình ESP là đều hoạt động trong 03 lĩnh vực:
Hoàn thiện Khung pháp lý và chính sách: Lĩnh vực hoạt động này nhằm khắc phục các rào cản đối với đầu tư trong nước và quốc tế vào thị trường Việt Nam, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi đối tượng tham gia chuỗi giá trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo theo hướng chú trọng vào chất lượng và tạo sự cạnh tranh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Các hoạt động của Chương trình hướng đến các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân, cho phép kết hợp toàn diện các cơ chế ưu đãi chính sách áp dụng với đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, Chương trình cung cấp các giải pháp giám sát và điều chỉnh chính sách hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng bền vững.
Nâng cao năng lực: Khi thị trường còn non trẻ, việc tăng cường kiến thức về các công nghệ năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng cũng như cách thức phát triển các dự án liên quan là điều cần thiết. Do đó, các hoạt động nâng cao năng lực cho đối tác và bên liên quan thông qua các khóa đào tạo/tập huấn, hội thảo và tham quan học tập nhằm tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.
Hợp tác công nghệ: Các hoạt động hợp tác công nghệ có mục tiêu kép. Thứ nhất là thúc đẩy chuyển giao công nghệ bằng việc chia sẻ kinh nghiệm lâu năm của Đức về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng cho Việt Nam. Thứ hai là tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và công ty tư nhân giữa hai nước Việt Nam và Đức.
Việc thực hiện cùng lúc 03 lĩnh vực hoạt động này trong các dự án sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng
Chuyển dịch năng lượng hiện là xu thế của toàn thế giới khi đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu. Với các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), cùng 150 quốc gia trên thế giới hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tất cả các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đều đang rất tích cực xây dựng quá trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả, an toàn và phù hợp với các điều kiện đặc trưng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, lưới điện thông minh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Dự án Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả năng lượng (SGREEE), triển khai trong giai đoạn 2017-2021 đã hỗ trợ thực hiện rất nhiều nghiên cứu và đề xuất về hệ thống điện truyền tải, phân phối, chính sách liên quan tới thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện, cũng như đánh giá và đề xuất các công nghệ lưới điện thông minh tại Việt Nam. Đồng thời kiến nghị sửa đổi lộ trình thực hiện lưới điện thông minh. Đây sẽ là những hỗ trợ rất hữu ích cho Cục Điều tiết điện lực trong quá trình nghiên cứu để thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam một cách thông minh và tin cậy.
Theo ông Markus Bissel – Giám đốc Dự án SGREEE, kiêm Trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng (Dự án 4E) thì quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đang đối mặt với vô vàn thách thức trong bối cảnh quốc gia phải thực hiện các mục tiêu tăng trưởng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, các mục tiêu kinh tế - xã hội và các mục tiêu giảm phát thải CO2. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo sự vào cuộc và phối hợp của các cấp ra quyết định trong ngành năng lượng để có thể tận dụng có hiệu quả những tiềm năng này. Những năm gần đây GIZ đã tổ chức nhiều hội thảo, thực hiện các nghiên cứu cơ sở, tổng hợp những bài học kinh nghiệm và thông lệ tốt nhất từ quá trình chuyển dịch năng lượng của Đức để áp dụng, nhằm thực hiện thành công quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Công suất điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian qua, do đó nhu cầu về một lưới điện thông minh hơn có khả năng tích hợp tỉ trọng năng lượng tái tạo cao cũng tăng lên. Không thể có sự chuyển dịch năng lượng nếu thiếu hệ thống điện thông minh và linh hoạt. Vì vậy, những công nghệ thông minh và một hệ thống được thiết kế đáp ứng nhu cầu của tương lai là điều cần thiết. Có thể nói, các hoạt động của Dự án SGREEE đã được triển khai rất đúng thời điểm. Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và cam kết vững chắc của Chính phủ, hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng nhanh chóng và bền vững, góp phần đáng kể vào giảm thiểu biến đổi khí hậu và sẽ hoàn thành được mục tiêu Net zero – phát thải bằng “0” vào năm 2050.
Kết quả của các Dự án thuộc Chương trình ESP