Giá điện âm trong một thời điểm ngắn không ảnh hưởng đến giá điện trung bình. Đó chỉ là tín hiệu để các nguồn phát giảm tối đa phát điện. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích kỹ hơn tình huống điện có giá âm ở Đức (ngày 29/5/2023) vừa qua để bạn đọc tham khảo.Trong thời điểm Covid, chúng ta đã từng chứng kiến giá dầu giao ngay về mức âm. Giá âm là vì suy thoái kinh tế khiến các tàu chở dầu “lang thang” không biết trút dầu vào đâu để đi chuyến tiếp theo. Do đó, các ông chủ phải chịu giá âm trong vài giờ để khuyến khích các kho chứa tận dụng hết công suất nhập dầu thô vào để nhận chút hoa hồng. Còn chủ kho có thể kiếm lời khi giá dầu lên. Nhưng sau khi chế biến, không ai thấy giá dầu âm ở đâu cả, bởi nó không đến tay người dùng.
Giá điện âm là hiện tượng vẫn thường hay xảy ra, chứ không đến nỗi hiếm. Ở một số nước châu Âu và cả ở Australia, khi các nguồn thủy điện dòng chảy (không có hồ chứa), điện gió, điện mặt trời gặp thời tiết tốt thì các nhà máy phát hết công suất, vì do không có chi phí nhiên liệu đầu vào. Điều đó buộc bên mua điện và nhà điều độ hệ thống điện phải đưa ra giá âm để ngăn chặn các nhà máy phát điện tiếp. Khi đó, phần thiệt thòi rơi vào chủ đầu tư nhà máy phát điện năng lượng tái tạo. Cứ mỗi kWh phát ra, họ phải trả tiền cho nhà điều hành, chứ không thu được tiền bán điện.
Cùng lúc đó, các nhà máy điện truyền thống (than, khí, hạt nhân, sinh khối) được bảo vệ để có thể không phải dừng máy theo yêu cầu kỹ thuật (do chi phí khởi động lại cao và thời gian khởi động lại lâu mới đạt công suất hoạt động kinh tế).
Chúng ta đều biết tai họa gì sẽ xảy ra nếu tất cả các nhà máy điện truyền thống trên hệ thống đều tắt máy. Khi mặt trời tắt nắng, khởi động lại nhà máy mất nhiều giờ, lập tức cả nước rơi vào bóng tối!
Chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn tình huống điện có giá âm ở Đức ngày 29/5/2023 như trong hình dưới đây:
Tình huống điện có giá âm ở Đức ngày 29/5/2023. |
Trưa ngày 29/5/2023 vừa qua, tại Đức, điện mặt trời, điện gió và thủy điện phát được 49.432 MW trong khi phụ tải chỉ là 48.308 MW. Room không được vi phạm của điện nhiên liệu hóa thạch tại thời điểm đó là 8.339 MW. Như vậy, điện phát ra đã vượt phụ tải (49.431+8.339) - 48.308 = 9.462 MW. Lượng điện thừa này lớn hơn 5 lần công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình của Việt Nam!
Lượng công suất thừa lớn như vậy, trong khi các nước “hàng xóm” cũng thừa điện, buộc nhà điều độ hệ thống điện phải đưa ra mức giá âm: Ai phát điện vào giờ này phải trả tiền. Số tiền không ít. Thời gian giá âm kéo dài 7 giờ, nhưng giá âm sâu nhất là lúc 2 giờ chiều, tới âm 149,54 Euro/MWh (tương đương 3.813 VNĐ/kWh). Các chủ đầu tư điện mặt trời nào không kịp tắt điện từ các tấm quang điện, hay tua bin gió sẽ phải nộp cho nhà điều hành thị trường điện 3.813 VNĐ/kWh phát ra.
Ngoài điện, than và khí, nhà điều độ vẫn phải duy trì năng lượng tái tạo, nhưng có thể điều độ được (điện sinh khối) ở mức khá cao. Bởi sau 5 giờ chiều, nắng sẽ tắt, những nhà máy đó cần “tăng công suất phát” chứ không phải là lúc đó mới đi “nhóm lò” tại các nhà máy điện truyền thống.
Ngoài ra, vì ổn định của hệ thống, nên thủy điện cũng được ưu tiên chạy nền.
Ai sẽ mua điện giá âm? Một số nhà đầu tư vào thủy điện tích năng, pin lưu trữ sẽ mua điện “giá âm” để tích trữ và bán ra “giá dương” sau vài giờ lưu trữ. Sau 5 giờ chiều giá điện bán buôn đã quay trở lại mức 100 Euro/MWh (tương đương 2.550 VNĐ/kWh).
Ở châu Âu người mua điện sinh hoạt cũng có thể chọn mua theo giá cố định, thường là cao, hoặc giá thả nổi theo thị trường. Nếu mua giá thả nổi, họ sẽ được hưởng mấy giờ giá điện âm, hoặc bằng không. Hóa đơn điện ở châu Âu ngoài giá điện còn có giá truyền tải, giá phân phối, giá dịch vụ cố định hàng tháng. Những thứ giá đó không bao giờ âm và thường cao hơn cả giá điện bán buôn.
Nói tóm lại, hóa đơn tiền điện hàng tháng của người dân châu Âu không bao giờ có giá âm, mà thông tin (ngày 29/5 vừa qua ở Đức) chỉ là chút an ủi khi khu vực này vốn nổi tiếng có giá điện cao so với phần còn lại của thế giới.
Giá điện sinh hoạt trung bình ở châu Âu từ năm 2008 đến nay chỉ có tăng dần đều, không giảm, mặc dù tỉ lệ điện năng lượng tái tạo cũng tăng dần đều. Bạn đọc có thể tham khảo thêm bảng dưới đây:
Giá điện sinh hoạt trung bình ở châu Âu từ năm 2008 đến năm 2022. |
Giá điện sinh hoạt trung bình ở châu Âu vượt trên 0,25 Euro/kWh (6.375 VND/kWh) vào cuối năm 2022. Giá điện cao nhất là Đan Mạch, Bỉ, Czech, Italy, Đức... Trong đó, Đan Mạch chỉ dùng năng lượng tái tạo và nhập khẩu từ các nước láng giềng.
Giá điện trung bình của châu Âu năm 2023 dự tính sẽ giảm xuống mức 6.300 VND/kWh nhờ giá khí LNG giảm mạnh, cũng như điện gió, mặt trời gặp thời tiết thuận lợi. Nhưng thời tiết thuận lợi có khi lại là hình phạt đối với nhà đầu tư năng lượng tái tạo khi giá bán bị âm./.
ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM