Tin tức

EVN gặp khó, chuyển điện khí Ô Môn 3 và 4 sang PVN làm chủ đầu tư

Dự án điện khí Ô Môn 3 và 4 sẽ được chuyển giao từ EVN sang cho PVN làm chủ đầu tư do những thuận lợi về huy động nguồn vốn, năng lực thực hiện, quản lý thống nhất, vận hành đồng bộ chuỗi dự án khí Ô Môn lô B.

EVN gặp khó, chuyển điện khí Ô Môn 3 và 4 sang PVN làm chủ đầu tư - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà họp với các bên liên quan về triển khai chuỗi dự án khí - điện lô B Ô Môn - Ảnh: VGP

Ngày 29-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe báo cáo về tình hình triển khai chuỗi dự án khí - điện lô B Ô Môn với sự tham dự của các bên liên quan.

Nhiều vướng mắc trong triển khai dự án nhiệt điện khí Ô Môn 

Tại cuộc họp, các bên gồm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã nêu ra những khó khăn trong triển khai hai dự án nhiệt điện khí Ô Môn 3, Ô Môn 4.

Đó là vấn đề bảo đảm nguồn vốn, việc chưa thống nhất trong khai thác, vận chuyển, sử dụng khí trong suốt vòng đời của hai dự án một cách bền vững…

Đáng chú ý, EVN đang gặp khó khăn rất lớn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho dự án Ô Môn 3; khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho dự án Ô Môn 4, khiến các dự án này có thể bị chậm so với tiến độ triển khai tổng thể của chuỗi dự án.

Bên cạnh đó là cơ chế huy động điện lên lưới để bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng khí cung cấp trong khi giá thành sản xuất điện khí đang cao hơn giá bán điện của EVN.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án nhiệt điện khí Ô Môn 3, Ô Môn 4 là hết sức quan trọng. Mục tiêu là để bảo đảm sự vận hành thông suốt, đồng bộ, hiệu quả của chuỗi dự án khí - điện lô B Ô Môn.

"Vì lợi ích đất nước, chúng ta không thể để chậm mãi thế này được. Phải rõ trách nhiệm của các tập đoàn, bộ, ngành để tháo gỡ hoặc đề xuất hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc", Phó thủ tướng nói.

 

Theo đó, cuộc họp thống nhất kiến nghị Thủ tướng, theo thẩm quyền, đồng ý chủ trương chuyển giao hai dự án này cho PVN làm chủ đầu tư. 

Theo phân tích, PVN đang có điều kiện thuận lợi về huy động nguồn vốn, năng lực thực hiện, cũng như có thể quản lý thống nhất, vận hành đồng bộ hạ tầng dùng chung của chuỗi dự án.

Phó thủ tướng giao EVN phối hợp chặt chẽ với PVN để khẩn trương chuyển giao toàn bộ kết quả những công việc đã được triển khai, cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư liên quan đến hai dự án nhiệt điện khí Ô Môn 3, Ô Môn 4.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, kỹ thuật trong quá trình chuyển giao hai dự án. Bộ cũng được giao hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của EVN và PVN; báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

EVN gặp khó, chuyển điện khí Ô Môn 3 và 4 sang PVN làm chủ đầu tư - Ảnh 3.

Phó thủ tướng cho rằng cần sớm tháo gỡ thực hiện dự án - Ảnh: VGP

Các bộ ngành hỗ trợ chuyển giao dự án

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn UBND TP Cần Thơ thực hiện đầy đủ quy trình liên quan đến chuyển chủ trương đầu tư hai dự án nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn 3, Ô Môn 4 từ EVN sang PVN.

Phó thủ tướng giao PVN hoàn thiện thủ tục, huy động nguồn vốn để nhanh chóng hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu triển khai hai dự án. Trong đó, PVN cần xem xét, tính toán việc phân phối khí trong chuỗi dự án khí - điện lô B Ô Môn, tránh được rủi ro, dự phòng các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Các bộ ngành liên quan cũng được giao phối hợp để đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chuyển nguồn vốn ODA dành cho dự án nhiệt điện khí Ô Môn 3 từ EVN sang PVN theo đúng quy định.

Cũng tại cuộc họp, Phó thủ tướng đã nghe báo cáo và chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Nam trong triển khai chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh; với tỉnh Bình Thuận về chuỗi dự án khí - điện LNG Sơn Mỹ.

Theo tuoitre.vn

Để có thể bình luận, xin vui lòng đăng nhập

Hà Nội quy định tiêu chí về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

08/09/2023

Hà Nội quy định tiêu chí về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Sử dụng điện mặt trời trong nuôi tôm

30/08/2023

Hiện nay, việc đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu khá nhiều, đặc biệt là phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi.

14 hiệp hội kêu 'phí tái chế của Việt Nam cao hơn châu Âu'

24/08/2023

Gửi kiến nghị đến 9 Bộ trưởng, 14 hiệp hội cho rằng, dự thảo áp định mức chi phí tái chế "cao bất hợp lý, hơn cả một số nước châu Âu".

'Kho ý tưởng' tiết kiệm điện ở nhà tôi

22/08/2023

Tôi ở một làng ven sông Sêrêpôk, ngoại ô TP.Buôn Ma Thuột. Nhà có điện sinh hoạt từ năm 1994, từ thời một tháng hết khoảng 20.000 đồng tiền điện.

Bảo đảm an ninh năng lượng

22/08/2023

Từ một nước sản xuất năng lượng, đến nay Việt Nam phải nhập khẩu than, khí, dầu nhằm bảo đảm nhiên liệu sản xuất điện cho ngành công nghiệp, dịch vụ. Chưa kể, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao, từ 9-10%/năm, đòi hỏi ngành điện phải đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy sản xuất điện và nhập thêm nhiều nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu đó.

Triển khai Quy hoạch điện VIII - Những thách thức và gợi ý chính sách

20/08/2023

Vào ngày 17/8/2023, tại TP. Hồ Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo “Triển khai Quy hoạch điện VIII - Những thách thức và gợi ý chính sách”.