Diễn biến phức tạp của thị trường năng lượng thế giới cùng ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến Việt Nam phải đối diện với tình trạng không có đủ nguồn cung điện đáp ứng thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là khối sản xuất công nghiệp.
Khảo sát thực tế của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong riêng lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn, khoảng 20%-30% tổng năng lượng tiêu thụ.
Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này, Đức - quốc gia đi đầu trên thế giới về cung cấp công nghệ giải pháp hiệu quả năng lượng trong những năm qua đã, thông qua Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) triển khai một loạt các hoạt động thiết thực như xây dựng mô hình Đội Quản lý hiệu quả năng lượng (#SEEG) cho doanh nghiệp, xây dựng cộng đồng Hiệu quả năng lượng Việt Nam (#VEECOM) với hơn 1.000 thành viện, đặc biệt là sáng kiến mô hình "Câu lạc bộ hiệu quả năng lượng (EEC)", nơi các doanh nghiệp Đức và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và các giải pháp thành công. Qua đó, tăng thêm niềm tin cho doanh nghiệp về việc ứng dụng hiệu quả năng lượng tại cơ sở.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được coi là biện pháp quan trọng nhất, không chỉ trong quá trình chuyển dịch năng lượng mà còn trong tất cả các kế hoạch phát triển năng lượng thông thường. Nhiều chuyên gia gọi đó là dạng năng lượng đầu tiên.
Tại diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023, ông Markus Bissel – Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng (Dự án 4E) cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách để triển khai hiệu quả năng lượng ở các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn như: Xây dựng các tiêu chí đảm bảo chất lượng cho các dịch vụ hiệu quả năng lượng, Xây dựng các cơ chế ưu đãi tài chính nhằm thúc đẩy chuyển đổi thị trường, hay Cải thiện công tác kiểm tra thông qua các tổ chức độc lập.