Để tận dụng tối đa diện tích đất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đang được áp dụng và nhân rộng từ quy mô doanh nghiệp (DN) đến hộ gia đình.
Tối ưu hóa quỹ đất
Tỉnh Bạc Liêu đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của Việt Nam. Trên thực tế, Bạc Liêu và các tỉnh thuộc ĐBSCL có lợi thế lớn trong phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời.
Vùng này ghi nhận số giờ nắng mỗi năm dao động từ 2.200 - 2.500 giờ, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 - 4,9 kWh/m². Theo tính toán, cứ 1m² lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể thu 5kWh điện mỗi ngày. Nguồn chiếu sáng này rất ổn định, với hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời.
Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu cũng là tỉnh có vựa tôm lớn nhất cả nước, tiết kiệm điện trong nuôi tôm vẫn là bài toán lớn đối với ngành Điện.
Những tấm pin mặt trời được lắp đặt trên ao nước lặng tại Công ty Long Mạnh - Ảnh: congthuong.vn. |
Công ty TNHH một thành viên Long Mạnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) vốn là một trang trại nuôi tôm rộng 4 ha, sản lượng hàng năm rơi vào khoảng 75 - 80 tấn tôm mỗi năm.
Nhận được hỗ trợ từ Chương trình Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, anh Long Văn Nghĩa – chủ trang trại cùng vợ quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời ngay trên những ao lắng vốn dùng để nuôi nước cho tôm. Đầu tư 32 tỷ đồng cho 2MWp, mỗi năm, anh Nghĩa thu về 7 tỷ đồng tiền bán điện bên cạnh 20 tỷ đồng doanh thu từ nuôi tôm.
“Điện mặt trời trên trang trại tôm có nhiều ý nghĩa quan trọng: Đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, đồng thời đây cũng là nguồn điện sạch được sản xuất tại những ao lắng đang bỏ không. Ao nước rất sạch khi được áp mái pin mặt trời, sử dụng cho ao tôm rất an toàn” - anh Nghĩa nhận xét về mô hình này.
Mặt khác, việc sử dụng điện mặt trời trong nuôi tôm cũng là một tiêu chuẩn quan trọng trong xuất khẩu sang các nước châu Âu. Hầu hết các chứng chỉ phổ biến như ASC, GlobalGAP, FOS... đều yêu cầu tiêu chí về “trách nhiệm xã hội”.
Tìm hướng đi
Không chỉ kết hợp sản xuất điện mặt trời trong nuôi tôm, nhiều nhà máy sản xuất điện mặt trời đang tận dụng diện tích phía dưới tấm pin mặt trời để trồng trọt và chăn nuôi. Ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia độc lập về năng lượng cho biết: “Năng lượng mặt trời có thể được khai thác mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và không nhất thiết phải thu hồi đất. Hiệu suất sử dụng đất trồng trọt có thể tăng đến 60%”.
Tại Ninh Thuận, Công ty Giải pháp năng lượng tuần hoàn (CAS) đang áp dụng nuôi dê và trồng thử nghiệm các loại cây dưới những tấm pin tại trang trại điện mặt trời rộng 3 ha.
Anh Trần Anh Đông - Giám đốc CAS - cho biết, hiện doanh thu chính của công ty đến từ điện mặt trời và “chỉ đủ để trả nợ ngân hàng”. Còn về phía sản xuất nông nghiệp, anh và các cộng sự vẫn đang loay hoay tìm kiếm các loại cây trồng phù hợp.
Năm 2017, nhà máy điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao Sinenergy Ninh Thuận I có quy mô công suất 50MWp đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Ninh Thuận để đầu tư sản xuất điện mặt trời và nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau, cà chua, táo, tỏi...). Tuy nhiên, cho đến tháng 3/2021, 100% doanh thu của nhà máy điện này vẫn đến từ điện mặt trời.
Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp không chỉ tăng hiệu quả sử dụng đất mà còn tạo thêm nguồn thu cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện mô hình này vẫn còn nhiều điểm hạn chế do chưa đáp ứng tiêu chí kinh tế trang trại, chưa có hướng dẫn kỹ thuật về mô hình, thiếu mô hình thực tiễn...