Bài viết khái quát về hiện trạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN – SME) tại Hà Nội, tình hình áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng đối với khu vực này, một số chính sách đặc thù của Hà Nội và khuyến nghị, đề xuất những giải pháp thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả cho loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhìn từ góc độ các cơ quan quản lý nhà nước và DNVVN.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng qua các năm, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 97% trên tổng số doanh nghiệp của Thành phố. Tính đến tháng 4/2020, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là 286.631 doanh nghiệp, trong hơn 4 năm (từ 2016-2020), có khoảng trên 107.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó chủ yếu là DNVVN (chiếm 97%). Số lượng sản phẩm của khu vực DNVVN tạo ra chiếm khoảng trên 30% tổng sản phẩm; Vốn đầu tư của khu vực DNVVN chiếm 25% tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội. Về cơ cấu ngành nghề: Thương mại bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 34,38%; Xây dựng 12,35%; Công nghiệp chế biến chế tạo 10,68%; Khoa học, công nghệ và Tư vấn, thiết kế 10,15%; Dịch vụ việc làm và du lịch 7,8%; Thông tin và Truyền thông 5,10%; Giáo dục và đào tạo 4,48%; Kinh doanh bất động sản 4,07%; Vận tải, kho bãi 3,92%; Tài chính ngân hàng 1,12%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống 2,07%; Còn lại là các ngành dịch vụ khác 4,15%. Khu vực DNVVN đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Năng lượng và an ninh năng lượng luôn là một trong những trụ cột được quan tâm hàng đầu của quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết; Tiềm năng, trữ lượng dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn và chúng ta đã phải nhập than cho sản xuất điện, đặc biệt trong thời gian gần đây thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng hiện hữu thì việc thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có các DNVVN cả nước nói chung và DNVVN trên địa bàn Thành phố nói riêng.
1. Hiện trạng quản lý năng lượng tại các DNVVN Hà Nội
Thực tiễn hiện nay cho thấy, rất nhiều SME trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang hoạt động có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu tính hệ thống, thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu so với các nước trong khu vực. Những năm gần đây nhiều DNVVN hoạt động sản xuất với quy mô công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận các DNVVN hiện đang sử dụng các thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp gây ô nhiễm môi trường. Thống kê sơ bộ thấy hơn 65% số thiết bị được sử dụng tại các DNVVN là máy móc, trang thiết bị đời cũ, lạc hậu. Chỉ có tỷ lệ nhỏ (hơn 30%) có công nghệ, thiết bị hiện đại. Năng lượng sử dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNVVN là điện, than, gas, dầu..., trong đó năng lượng điện là chủ yếu (chiếm gần 70%). Để sản xuất ra sản phẩm, những doanh nghiệp này có mức tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên vật liệu lớn, trong khi đó chất lượng sản phẩm làm ra không cao do chất lượng thiết bị thấp, dẫn tới sức cạnh tranh thấp.
Qua quá trình khảo sát tại các DNVVN của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, hầu hết các đơn vị đều có những khó khăn chung do một số nguyên nhân sau: (1) Chưa tiếp cận được với phương pháp quản lý năng lượng tiên tiến, do đó công tác quản lý năng lượng gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao. Phần lớn bộ phận phụ trách, theo dõi, quản lý tiêu thụ năng lượng vẫn chưa có hoặc do cán bộ kĩ thuật của các DNVVN thực hiện kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Do đó chất lượng quản lý, chỉ đạo về hoạt động sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp chưa thực sự mang lại hiệu quả cao nhất, có rất ít DNVVN xây dựng được chỉ tiêu, định mức và các chỉ số về sử dụng năng lượng TK&HQ; (2) Chưa cập nhật thường xuyên các quy định, hướng dẫn về sử dụng năng lượng TK&HQ, do đó không nắm được lợi ích cũng như trách nhiệm phải thực hiện; (3) Nhận thức, ý thức về vấn đề sử dụng năng lượng TK&HQ còn nhiều hạn chế nên hiện tượng sử dụng lãng phí năng lượng vẫn còn khá phổ biến.
Mặc dù có một số khó khăn và hạn chế như trên, nhưng nhiều DNVVN cũng đã quan tâm tới vấn đề tiết kiệm năng lượng. Sự quan tâm này được thể hiện cụ thể qua một số công cụ quản lý như: (1) Thường xuyên bảo trì bảo dưỡng hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; (2) Đã có nhiều chuyển biến trong việc đầu tư đổi mới hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất có hiệu suất năng lượng cao, tích hợp thiết bị biến tần cho một số thiết bị trong
Một dây chuyền sản xuất hiện đại của DNVVN tại Hà Nội
dây chuyền sản xuất; (3) Từng bước thay thế thiết bị chiếu sáng có công suất lớp bằng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, Nhiều DNVVN có các giải pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên để phục vụ sản xuất tại các nhà xưởng. Lắp hệ thống tụ bù tại trạm biến áp để nâng hệ số cosj; (4) Ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn cán bộ, người lao động các biện pháp sử dụng năng lượng cũng như cách thức vận hành các trang thiết bị sao cho tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền về ý thức sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện, cũng đã được chú trọng thường xuyên như ban hành các thông báo sử dụng tiết kiệm điện, dán chú ý tắt thiết bị điện khi ra về trên các cửa ra vào, công tắc điện...
2. Chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Thành phố Hà Nội đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 tại Quyết định 280/QĐ-TTg với mục tiêu hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững. Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ DNVVN nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế...
Để triển khai Chương trình quốc gia về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu:
(1) Triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội góp phần đảm bảo, ổn định an ninh năng lượng quốc gia; áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống;
(2) Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong triển khai Chương trình; Hình thành thói quen, từ đó nâng cao kỹ năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến năm 2030;
(3) Phấn đấu Đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0% đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng và giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 4,0% trên toàn Thành phố. Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể: (i) Đối với công nghiệp dệt may: tối thiểu 5,0%; (ii) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: từ 3,0% đến 6,88% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; (iii) Đối với công nghiệp giấy: từ 8,0% đến 15,80% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất; (iv) Đối với công nghiệp hóa chất: tối thiểu 7,0%; (v) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: từ 18,0% đến 22,46%.
3. Giải pháp thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các DNVVN trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030
Với tầm quan trọng của khu vực DNVVN ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượn, cần có giải pháp đồng bộ từ 2 phía để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
Về phía các cơ quan nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ khu vực DNVVN; Tăng đầu tư, áp dụng đa dạng hình thức huy động các nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đối tương DNVVN; Tăng cường năng lực cho các tổ chức tư vấn thiết kế, thử nghiệm, kiểm toán năng lượng. Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, đặc biệt cho các địa phương và DNVVN về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng TK&HQ; Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn về sử dụng năng lượng TK&HQ với hình thức phù hợp với các đối tượng là DNVVN; Đẩy mạnh các dịch vụ tư vấn hiệu quả năng lượng để thực hiện các hoạt động: Khảo sát đánh giá năng lượng; Kiểm toán năng lượng; Chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ thân thiện với môi trường; Đào tạo, tư vấn áp dụng mô hình quản lý năng lượng tiên tiến; Tư vấn thực hiện biện pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp với các DNVVN. Quan tâm triển khai các gói tài chính hỗ trợ các DNVVN sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển đổi trang thiết bị mô hình công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
Về phía DNVVN: Cần đổi mới tư duy và có tầm nhìn dài hạn trong hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ, cụ thể:
(1) Thay đổi thói quen, hành vi hình thành kỹ năng và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động thông qua việc tổ chức các đợt huấn luyện cho cán bộ công nhân viên về tiết kiệm năng lượng. Thực hiện phương pháp truyền thông đơn giản, ngắn gọn dễ hiểu cho người lao động về hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ tại mỗi đơn vị;
(2) DNVVN cần xây dựng và ban hành các chính sách, kế hoạch thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng gắn với chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, từ đó có thể mang lại lợi nhuận, tăng doanh thu. Tùy theo quy mô sản xuất kinh doanh từng đơn vị cần tổ chức đánh giá hoạt động sử dụng năng lượng, kiểm toán năng lượng (tự thực hiện, đăng ký được hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước hoặc thuê ngoài) từ đó xây dựng được định mức, và các chỉ số hiệu quả năng lượng để làm cơ sở triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, xây dựng được các chế tài gắn với trách nhiệm của người lao động về thực hiện các nội quy, quy định về sử dụng năng lượng TK&HQ;
(3) Bên cạnh việc thường xuyên quan tâm duy trì việc bảo dưỡng máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất, DNVVN cần có kế hoạch từng bước chuyển đổi, áp dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa sản xuất, các biện pháp quản lý vận hành tiên tiến và sử dụng các nguồn năng lượng mới thay thế...
Từ các vấn đề nêu trên, chúng ta có thể thấy tiềm năng và giải pháp thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả cho các DNVVN là rất lớn. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của nhà nước, các DNVVN cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ tại đơn vị, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho chính mình vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia../
ThS. Hoàng Minh Lâm- IDC Hà Nội
& Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định số 3700/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 21/8/2020 về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Kế hoạch số 75/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 19/3/2021 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội.