Khoa học công nghệ

KHCN11. THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI TẠI VIỆT NAM

 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) đang từng bước được cải thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Với vai trò là cầu nối phục vụ sản xuất, trong định hướng phát triển của GTVT chú trọng đến biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng và nhà nước. Việc thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong GTVT có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế xanh và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, đó là nội dung trong khuôn khổ bài viết này xin giới thiệu đến quý bạn đọc.

Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, ngành giao thông vận tải đã quan tâm đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính. Theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam gửi UNFCCC (bản cập nhật năm 2020), tiêu thụ năng lượng trong ngành giao thông vận tải không ngừng tăng qua các năm dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính của ngành theo kịch bản thông thường tăng từ 40 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020 lên đến 64,3 triệu tấn và 88,1 triệu tấn CO2 tương đương lần lượt cho các năm 2025 và 2030, trong đó lĩnh vực giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm tới gần 80% tiếp đó là đường thuỷ, hàng không và đường sắt.

 Nhằm đóng góp vào mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia giai đoạn 2021-2030 là: đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) bằng nguồn lực trong nước và giảm 27% trong trường hợp nhận được hỗ trợ quốc tế; ngành giao thông vận tải đã xác định 03 nhóm giải pháp chính để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm: (01) chuyển đổi phương thức vận tải; (02) sử dụng hiệu quả năng lượng đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải; (03) sử dụng nhiên liệu thay thế.

Thứ nhất, về chuyển đổi phương thức vận tải:

- Để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng vận tải hành khách, ngành Giao thông vận tải chủ trương thực hiện chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng tại các thành phố. Ước tính, việc chuyển đổi từ sử dụng phương thức vận tải cá nhân sang vận tải công cộng ở các thành phố có thể giảm được 4.6 triệu tấn CO2tđ trong cả giai đoạn 2015-2030 và 0.4 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030. Việc chuyển dịch vận tải hành khách từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng (xe buýt thường, xe buýt BRT, đường sắt đô thị …) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông đồng lợi ích với giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính. Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như trợ giá, thí điểm tuyến đường dành riêng, cung cấp xe buýt chất lượng cao để hấp dẫn người dân. Theo số liệu báo cáo, cả nước có gần 60 tỉnh thành đã phát triển mạng lưới xe buýt với khoảng 10 nghìn phương tiện. Số lượng phương tiện xe buýt tại 05 thành phố chiếm khoảng 44%, trong đó 02 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã chiếm đến khoảng 40% tổng số xe buýt. Phương tiện chủ yếu cỡ trung bình (40-60 chỗ). Số lượng xe buýt dưới 40 chỗ thấp, chưa có các xe buýt cỡ nhỏ để có thể hoạt động trong các khu vực hạn chế về hạ tầng giao thông. Về cơ bản, các xe buýt dần được thay thế, đầu tư mới, đảm bảo các yêu cầu đối với xe buýt đô thị, có trang thiết bị giám sát hành trình, hệ thống thông tin hành khách tiên tiến.

- Đẩy mạnh chuyển vận tải hàng hóa từ đường bộ sang các phương thức vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn (đường thuỷ nội địa và ven biển). Sau khi tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình bước đầu hoạt động có hiệu quả, Bộ GTVT tiếp tục công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang (chia làm hai tuyến là Quảng Bình - Bình Thuận và Kiên Giang - Bình Thuận) kết nối vào tuyến đang hoạt động là Quảng Ninh - Quảng Bình tạo thành tuyến vận tải ven biển thông suốt từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Việc đẩy mạnh chuyển vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, đường sắt đã phát huy hiệu quả chia lửa cho giao thông đường bộ, qua đó giảm tình trạng tai nạn giao thông, giảm tình trạng xe chở quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm giá cước vận tải và giảm tiêu thụ nhiên liệu trên 1 đơn vị sản phẩm, hàng hóa.

Thứ hai, về hiệu quả sử dụng năng lượng:

- Dán nhãn phương tiện

Căn cứ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 12/09/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, theo đó từ 01/01/2015 xe ô tô con loại từ 07 chỗ ngồi trở xuống sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới thuộc đối tượng phải dán nhãn năng lượng. Tiếp đó, ngày 09/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 đã bổ sung đối tượng dán nhãn, theo đó từ ngày 01/01/2018 xe ô tô con loại trên 07 chỗ đến 09 chỗ, từ ngày 01/01/2020 xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải dán nhãn năng lượng. Ngay khi Quyết định trên được ban hành, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đều hưởng ứng; một số doanh nghiệp có lợi thế đã thực hiện dãn nhãn năng lượng cho xe ô tô con từ trước 01/01/2015 (thời gian khuyến khích áp dụng).

Thông qua việc dán nhãn năng lượng, các loại xe khi đưa ra thị trường, doanh nghiệp sẽ phải thông tin một cách minh bạch về mức tiêu thụ nhiên liệu. Thông qua nhãn năng lượng dán trên xe người tiêu dùng có căn cứ để lựa chọn phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp; các nhà sản xuất, kinh doanh xe cũng lấy mức tiêu thụ nhiên liệu của xe là một trong những lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Kết quả là người tiêu dùng có thêm thông tin tham khảo trong quá trình lựa chọn phương tiện ít tiêu hao nhiên liệu đem lại hiệu quả kinh tế trong quá trình sử dụng; doanh nghiệp sản xuất xe cơ giới quảng bá được hình ảnh doanh nghiệp thông qua nhãn năng lượng. Việc dán nhãn năng lượng còn thúc đẩy các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu và coi đó là một lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Về mặt xã hội việc dán nhãn năng lượng sẽ góp phần giảm tổng mức tiêu thụ nhiên liệu thông qua hoạt động của các phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả nhận được, đến nay các doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ quy định về dán nhãn năng lượng đối với các loại xe thuộc đối tượng, chưa ghi nhận các khiếu nại, tranh chấp, xử lý vi phạm liên quan đến việc công khai mức tiêu thụ nhiên liệu xe và dán nhãn năng lượng.

- Tiêu chuẩn khí thải

Triển khai các quy định về kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, 100% xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình (tương đương Euro 4 đối với xe ô tô, tương đương Euro 3 đối với xe mô tô 2 bánh); đồng thời, xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu cũng đã được nâng lên. Kết quả ngoài việc giảm lượng phát thải của phương tiện giao thông cơ giới, bảo vệ môi trường còn góp phần giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ trong giao thông vận tải.

- Niên hạn sử dụng phương tiện

Việc giới hạn sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu đã được quy định thông qua một số văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 95/2019/NĐ-CP quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người. Việc quy định niên hạn sử dụng đối với phương tiện góp phần loại bỏ các phương tiện cũ gây mất an toàn giao thông, sử dụng nhiều nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường.

- Tiêu thụ nhiên liệu

Quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện đã được áp dụng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều đưa ra mức giới hạn về tiêu thụ nhiên liệu theo đặc trưng của mình. Một số quốc gia như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ quy định tiêu chuẩn về mức tiêu thụ nhiên liệu, trong khi các quốc gia khác như Châu Âu, Canada và Úc ban hành các chương trình tự nguyện để khuyến khích sử dụng hiệu quả nhiên liệu.

Ở Việt Nam hiện nay, đã có TCVN về mức tiêu thụ nhiên liệu và dừng ở mức khuyến khích áp dụng, chưa có quy định bắt buộc về mức nhiên liệu tiêu thụ đối với các phương tiện. Trong khi, quy định về mức giới hạn tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới (giải pháp E15 trong NDC cập nhật) được xác định là biện pháp là 01 trong 02 biện pháp giảm thải khí nhà kính tiềm năng nhất trong ngành giao thông vận tải bên cạnh giải pháp chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang đường thủy nội địa và ven biển (E17) nhưng E15 được thực hiện với chi phí nhỏ nhất. Vì vậy, đây được xem là biện pháp khả thi về mặt công nghệ cũng như tài chính và là biện pháp ưu tiên của ngành trong quá trình thực hiện trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ ba, về chuyển đổi sử dụng nhiên liệu

Một trong những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính là chuyển đổi từ việc sử dụng nhiên liệu xăng hoặc dầu DO sang các nhiên liệu có tác động tích cực hơn tới môi trường, ít phát thải khí nhà kính như xăng E5 và E10, khí thiên nhiên, điện hoặc Hypbrid.

- Nhiên liệu thay thế

Với vai trò là hộ tiêu thụ nhiên liệu, nhằm thúc đẩy sử dụng nhiên thay thế xăng dầu truyền thống, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chủ động rà soát đưa vào Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với nội dung đến năm 2020 có 5 - 20% số xe buýt và taxi chuyển sang sử dụng nhiên liệu LPG, CNG và năng lượng mặt trời và được tái khẳng định tại Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2020; đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 cũng khuyến khích các tỉnh, thành phố đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường là mục tiêu của của đề án; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng xác định triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế nhiên liệu truyền thống (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Cho đến hiện nay, xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG mới chỉ có tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với số lượng chiếm khoảng 13% đoàn phương tiện (102 xe ở Hà Nội và 453 xe ở thành phố Hồ Chí Minh).    

- Năng lượng điện

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện. Sau khi Đề án được thông qua sẽ tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển loại hình phương tiện này.

Trong thực tế, thực hiện chủ trương phát triển phương tiện giao thông các bon thấp, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus với sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ dự kiến đưa 10 tuyến xe bus điện vào vận hành tại Hà Nội sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính và chất gây ô nhiễm ra môi trường không khí.

Cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, hệ thống giao thông vận tải đang từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Với vai trò là cầu nối phục vụ sản xuất, GTVT cũng cần có định hướng phát triển, nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng và nhà nước. Mặt khác bản thân GTVT cũng là một khâu không thể thiếu của quá trình sản xuất, việc thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong giao thông vận tải có ý nghĩa quan trong trong định hướng phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; trong khuôn khổ bài viết này xin giới thiệu đến các quý bạn đọc./.

 

Ths. Mai Văn Hiến, Bộ GTVT

& Hội KH-CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam gửi UNFCCC (bản cập nhật năm 2020);
  2. Quyết định số: 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04 tháng 3 năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
  3. Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 1456/QĐ-BGTVT ngày 11/5/2016 của Bộ trưởng Giao thông vận tải).

 

Để có thể bình luận, xin vui lòng đăng nhập

Nhà máy thủy điện tích năng công suất 2,8 GW

22/08/2023

Nhà máy thủy điện tích năng công suất 2,8 GW

Hiện trạng hệ thống dự báo công suất phát nhà máy điện gió - mặt trời ở Việt Nam và xu hướng trong thời gian tới

22/08/2023

Đề tài Hiện trạng hệ thống dự báo công suất phát nhà máy điện gió - mặt trời ở Việt Nam và xu hướng trong thời gian tới do Nguyễn Duy Minh (Trường Đại học Điện lực) - Nguyễn Bá Tiến (Công ty Cổ phần Quản lý và Vận hành Nhà máy điện XCE).

Tua-bin gió mạnh nhất thế giới phá kỷ lục sản lượng điện sản xuất trong 24 giờ

20/08/2023

Tua-bin điện gió mạnh nhất thế giới đã phá kỷ lục thế giới về sản lượng điện lớn nhất do một tua-bin duy nhất tạo ra trong khoảng thời gian 24 giờ.

Các nhà khoa học sáng chế ra pin mặt trời hai mặt sử dụng siêu vật liệu perovskite

08/08/2023

Đã từ lâu, perovskite được vinh danh là siêu vật liệu dẫn đầu cho thế hệ thiết bị điện mới.

Turbine gió nổi tự di chuyển đến nơi có gió

27/07/2023

Công ty công nghệ điện gió nổi X1 Wind ở Barcelona (Tây Ban Nha) đã phát minh ra turbine gió 15 MW có giàn hình kim tự tháp kèm theo hệ thống phao nổi cho phép di chuyển tới nơi gió và liên tục sản xuất điện.

Vấn đề xử lý chất thải khi tấm quang năng mặt trời hết hạn sử dụng ở Việt Nam

26/07/2023

Từ các nghiên cứu của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Tư vấn Quốc tế và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) về “Phát triển các giải pháp cuối vòng đời cho điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam” [*], Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin được tổng hợp một số vấn đề xử lý chất thải khi tấm quang năng mặt trời hết hạn sử dụng ở Việt Nam để bạn đọc tham khảo.